Bệnh viêm họng hạt là gì?
Viêm họng hạt là tình trạng viêm nhiễm lặp đi lặp lại và kéo dài của vùng niêm mạc họng và amidan, gây tổn thương và khiến các mô lympho trong thành họng phình lên, phát triển thành dạng hạt.
Viêm họng hạt thường xảy ra ở người lớn và là bệnh viêm nhiễm mãn tính, khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, cần có cách phòng tránh để không bị nhiễm bệnh.
Người bệnh thường có cảm giác ngứa ngáy, vướng và khó chịu ở họng. Tuy nhiên, không có triệu chứng sốt. Một số người còn cảm thấy họng bị khô.
Để giảm cảm giác khó chịu, người bệnh thường hay ho, khạc nhổ. Mỗi lần khạc cảm giác ngứa sẽ giảm bớt nhưng không hết hoàn toàn.
Khi quan sát bằng mắt thường, có thể thấy được thành sau họng có nhiều hạt lớn, nhỏ khác nhau bằng đầu ghim, hạt ngô. Các hạt này có thể được nối liền với nhau bằng những dây máu.
Trước mắt, viêm họng hạt sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh. Do bệnh gây ho có đờm, cổ họng vướng víu, khó chịu khi ăn uống.
Bệnh viêm họng hạt tuy không phải là bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, nhưng nếu không chữa trị kịp thời vẫn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Biến chứng tại chỗ: Gây hiện tượng áp-xe hoặc viêm tấy quanh họng và amidan.
- Biến chứng gần: Bệnh viêm họng hạt để lâu có thể dẫn đến viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi.
- Biến chứng xa: Nếu không được chữa trị, viêm họng hạt có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm cầu thận.
Để phòng ngừa viêm họng hạt, việc trước tiên bạn cần làm đó chính là phòng ngừa bệnh viêm họng:
- Hạn chế uống nước đá, nước lạnh. Tuyệt đối không uống nước đá, nước lạnh khi đang bị viêm họng.
- Đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế khói bụi, vi khuẩn xâm nhập vào vòm họng.
- Không sử dụng thuốc lá. Ngoài việc có khả năng gây viêm họng hạt, thuốc lá còn là nguyên nhân của nhiều bệnh nguy hiểm khác.
- Giữ ấm vùng cổ khi thời tiết trở lạnh.