Theo dòng thời gian, những lễ hội dân gian được nhân dân sáng tạo nhằm phục vụ đời sống tinh thần. Các lễ hội đó thường gắn liền với những sự tích, những câu chuyện có tính chất huyền thoại, mang màu sắc tâm linh từ đó gửi gắm ước mong, thái độ của nhân dân.
Cứ thế, tự bao đời nay, những lễ hội dân gian được trao truyền từ thế này sang thế hệ khác với tính cố kết cộng đồng ngày càng bền sâu. Nó trở thành một tài sản vô giá của nhân dân ta, dân tộc ta.
Bởi những lễ hội còn lưu giữ đến hôm nay đều mang trong mình những giá trị tốt đẹp, từ sự mang ơn của những người có công với làng xã, với nhân dân đến những câu chuyện ẩn chứa nhiều bài học quý giá và cả ước mong về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm, yên vui... Hay nói một cách khác, dấu ấn lịch sử, dấu ấn văn hóa được thể hiện một cách đậm đặc qua các lễ hội cổ truyền. Các lễ hội ấy ngày càng được các cấp chính quyền và nhân dân gìn giữ và phát triển.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là, phải làm sao để thế hệ trẻ, nhất là học sinh thấu hiểu, yêu thích các lễ hội dân gian, đặc biệt là các lễ hội ngay tại địa phương mình.
Điều này là thực sự khó khăn khi lớp trẻ ngày càng ít có sự hiểu biết đối với các giá trị truyền thống. Từ thực tiễn, chúng tôi nhận thấy có một số biện pháp có thể triển khai để truyền tải những giá trị thiêng liêng, bền vững mà các lễ hội mang lại cho các em học sinh.
Thứ nhất, cần tuyên truyền, giới thiệu cho học sinh biết về các lễ hội truyền thống, nhất là những lễ hội tại địa bàn dân cư. Để công tác này hiệu quả cần sự chung tay, phối hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội. Tại cơ sở trường học, thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động của các câu lạc bộ hoặc lồng ghép, tích hợp trong các môn học, giáo viên cần phải giới thiệu những lễ hội giàu bản sắc tới học sinh.
Tại địa phương, cần có sự tuyền truyền giới thiệu, có thể qua hệ thống loa truyền thanh, hệ thống pano áp pic, các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại các buổi sinh hoạt chung của cộng đồng.
Tại các gia đình, ông bà cha mẹ có thể khéo léo chia sẻ cùng con cháu lịch sử của làng, những huyền tích liên quan đến lễ hội cũng như những dấu ấn đặc biệt về lễ hội. Dần dần, học sinh sẽ có những hiểu biết cơ bản về những lễ hội đó. Và một khi đã biết thì các em sẽ có nhu cầu được tham gia.
Thứ hai, cần tạo điều kiện để các em được trải nghiệm cùng lễ hội. Bởi “tôi nghe - tôi quên, tôi nhìn – tôi nhớ, tôi làm – tôi hiểu”.
Trước hết là để cho các được đi xem lễ hội; sau đó có thể là tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Nếu như thế thì các em sẽ cảm thấy hào hứng và có những hiểu biết sâu sắc hơn.
Thứ ba, giáo viên có thể giao cho học sinh thực hiện các dự án học tập liên quan đến các lễ hội. Chẳng hạn, có thể yêu cầu các nhiệm vụ như: tìm hiểu về lễ hội, thực hiện một nội dung trong phần “hội” của các lễ hội, vẽ tranh giới thiệu về lễ hội hay làm clip giới thiệu về lễ hội...
Chắc chắn khi được giao nhiệm vụ, học sinh sẽ cố gắng đến thực địa để tìm hiểu, để gặp gỡ những người lớn tuổi, những người dân địa phương- những người đang giữ “hồn” văn hóa. Đây cũng là một cách để học sinh tìm hiểu sâu hơn về các lễ hội truyền thống.
Thứ tư, cần tạo cơ hội hoặc động viên để các em được chia sẻ những cảm nhận của bản thân sau khi trải nghiệm các lễ hội. Giáo viên hoặc các bậc phụ huynh cần tranh thủ thời gian để trò chuyện cùng các em, động viên các em chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc. Bởi mỗi lần chia sẻ như thế, người lớn sẽ có những đánh giá về nhận thức của các em, để từ đó có những sự khích lệ hay điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, cũng có thể khuyến khích các em chia sẻ lên các trang mạng xã hội. Đó cũng là cách để các em giới thiệu về bản sắc quê hương mình cùng cộng đồng.
Có thể nói, từ các lễ hội dân gian có thể giáo dục cho học sinh truyền thống văn hóa, lịch sử một cách hiệu quả, thiết thực. Nó góp phần nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa nhưng quan trọng hơn là giáo dục về ý thức, trách nhiệm bảo tồn di sản; bồi đắp tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước và sự tự hào về những di sản quý báu mà cha ông đã để lại.
Một điều tin tưởng rằng, khi được giao nhiệm vụ: “Các em sẽ là người trao truyền những giá trị thiêng liêng này cho thế hệ sau”, các em sẽ thấy được trách nhiệm của mình và các em sẽ làm được điều đó!