Huênh hoang pháo đài bất khả xâm phạm
Năm nay đã bước sang tuổi 89, nhưng bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, nguyên Phó ban Quốc tế Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vẫn rất minh mẫn. Căn chung cư nhỏ của bà trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2, TP Hồ Chí Minh) rất ngăn nắp, gọn gàng. Bà dành một vị trí trang trọng để lưu giữ tài liệu và cũng là nơi bà đọc sách, làm việc. Vừa lấy tài liệu bà vừa kể, hồi còn là học sinh Trường Trưng Vương bà đã tích cực tham gia cách mạng như in tài liệu mật, rải truyền đơn. Năm 1952, bà bị địch bắt. Dù sau đó được thả, nhưng hàng loạt biến cố xảy ra với gia đình bà. Cuối cùng, gia đình cho bà sang Pháp học. Tại đây, bà được chứng kiến những ngày nước Pháp dậy sóng sau sự kiện Điện Biên Phủ. Thời điểm bấy giờ, bà đã cất công sưu tầm, lưu giữ rất nhiều tờ báo Pháp đưa tin về sự kiện này.
Nhớ lại không khí nước Pháp thời điểm đó, bà Đạm Thư kể, khi Thủ tướng Pháp J.Laniel thông báo trước Quốc hội Pháp về việc thất bại ở Điện Biên Phủ, không khí choáng váng, sững sờ bao trùm cả nước Pháp. Đến lúc này, những dối trá, chết chóc trong 9 năm ròng diễn ra tại cuộc chiến Đông Dương mà Chính phủ Pháp bưng bít, giấu giếm được phơi bày.
Mới mấy tháng trước đó, tướng Henri Navarre-Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Pháp ở Đông Dương hứa hẹn, kế hoạch Navarre sẽ xoay chuyển tình hình và nước Pháp có thể bước vào Hội nghị Geneva trong thế thắng. Nhưng rồi tất cả đều là sự ảo tưởng, huyễn hoặc.
Đưa cho chúng tôi xem tờ Paris Match có bài viết với tựa đề “Ảo vọng tiêu tan” bằng tiếng Pháp, vừa đọc bà Đạm Thư vừa dịch như kể lại cho chúng tôi nghe.
Buổi sáng 20-11-1953, chiếc máy bay C-47 Dakota mang số hiệu 356 chở một số sĩ quan cao cấp, trong đó tướng Jean Gilles là chỉ huy, có nhiệm vụ thực hiện một cuộc hành quân ghê gớm. Đúng 10 giờ 35 phút, máy bay chở binh lính thả xuống Điện Biên Phủ khoảng 3.000 dù vào 2 khu vực, phía Tây Bắc và phía Nam. Ngày hôm đó, cả thảy có 3 tiểu đoàn dù và 1 đại đội công binh nhảy xuống. Trong ngày 21 và 22-11, lại thêm 3 tiểu đoàn và 1 đơn vị pháo tiếp tục được đưa xuống tăng cường cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 22-11, vô tuyến điện từ Điện Biên Phủ bắt đầu liên lạc được với Lai Châu. Ngày 24-11, sân bay Điện Biên Phủ do quân Pháp chiếm đóng bắt đầu hoạt động.
Ngày 22-11-1953, tướng René Cogny, Tư lệnh Bắc Bộ tuyên bố với phóng viên AFP: “Điện Biên Phủ là một điểm chốt. Nếu tập đoàn cứ điểm Nà Sản lắp được trên bánh xe lăn, có lẽ tôi đã chuyển nó lên Điện Biên Phủ ngay từ khi tôi nhận chức cách đây 5 tháng”. Ông ta cũng đắc chí cho rằng, nếu Việt Minh kéo chủ lực lên Điện Biên Phủ thì quân Pháp sẽ tương kế, tựu kế biến nơi đây thành một pháo đài vững chắc, vừa là cái chốt, vừa là cái bẫy hay một máy nghiền, sẵn sàng nghiền nát các đại đoàn thép của quân Việt Minh.
Ngày 8-12-1953, De Castries chính thức nhận chức, bố trí tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng mạnh hơn với 49 cứ điểm, khoanh thành 8 cụm. Các vị trí bố trí ở Điện Biên Phủ được chuyên gia quân sự của các cường quốc phương Tây đến kiểm tra đều bày tỏ lòng tin cậy và kiêu căng, tự mãn cho rằng là một “pháo đài bất khả xâm phạm”.
Ảo tưởng sụp đổ
Thứ bảy ngày 8-5-1954, sau khi đã ra tờ France-Soir thường ngày, báo này lại ra số đặc biệt với dòng chữ lớn ở trang nhất: “Điện Biên Phủ đã thất thủ”, báo tin: “11 giờ hôm nay, giờ địa phương, tin phút cuối cùng, đội quân đồn trú anh hùng dưới sự chỉ huy của tướng De Castries đã bị tràn ngập bởi các lực lượng địch...”.
Và các tờ báo trước đây tung hô, tâng bốc nay đã xuống giọng, lại quay sang phê phán các nhà chính trị, đổ tội vào các tướng lĩnh Pháp. Một số báo cho rằng “Nước Pháp đã mắc kẹt trong những việc đã rồi, trong ảo tưởng và lừa bịp” (Franc-Tireur, 8-5-1954); “Nước Pháp thua là vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa, hoàn toàn trái với lợi ích sống còn của mình. Chỉ có bọn trùm tư bản tài chính, bọn sản xuất-buôn bán vũ khí, bọn bán thịt người là có lợi” (France Nouvelle, 8-5-1954).
Dư luận nước Pháp sôi sục. Họ lật lại những tuyên bố đầy ảo vọng trước đây của các tướng lĩnh. Đó là lời hứa hẹn của tướng Navarre và những đánh giá: “Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ-một cứ điểm mạnh nhất, từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương. Chưa có một quan chức dân sự hoặc quân sự nào đến thăm mà không kinh ngạc trước sự hùng mạnh của nó cũng như không bày tỏ với tôi tình cảm của họ”.
Còn lời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Pleven lúc bấy giờ báo cáo trước Quốc hội Pháp: “Khi tôi đến thăm căn cứ cố thủ Điện Biên Phủ, tôi được biết các chiến sĩ bảo vệ nơi ấy đều rất tin vào cách bố trí và phương tiện vũ khí của mình. Không một người nào nghĩ đến chuyện rút quân đi”.
Thủ tướng Pháp Laniel cũng đưa ra nhận xét hết sức lạc quan: “Trong suốt thời gian tổ chức căn cứ cố thủ, một niềm lạc quan to lớn không ngừng diễn ra. Nhìn thấy những công sự được xây dựng, những hào giao thông và những hầm ngầm được đào đắp, những mạng lưới dây thép gai được giăng ra dày đặc, người ta cảm thấy có một sự an toàn và một nguồn sức mạnh”.
Trong số những nhà chính trị, tướng lĩnh thì tướng René Cogny là người ảo tưởng, viển vông hơn cả (từ cuối tháng 11-1953 đến giữa tháng 2-1954), ông ta đã tuyên bố tới 9 lần với báo chí phương Tây về Điện Biên Phủ, trong đó ngày 30-12-1953, René Cogny trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Mỹ U.P rằng: “...tôi mong muốn có một cuộc chạm trán ở Điện Biên Phủ”. Ngày 8-1-1954, trả lời phóng viên báo Mỹ, tướng René Cogny lại bày tỏ niềm tin vào một "chiến thắng": “...bộ chỉ huy Pháp tin chắc sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi chờ đợi những cuộc chiến đấu gay go và kéo dài. Chúng tôi sẽ thắng”...
Càng huênh hoang hơn, khi được Hãng thông tấn Mỹ U.P hỏi có chờ đợi cuộc chạm trán ở Điện Biên Phủ hay không, René Cogny nói: “Tôi mong muốn như thế! Pháo binh Việt Minh có thể gây ra phiền toái, nhưng chúng tôi sẽ làm cho chúng phải câm họng... Pháo phòng không của Việt Minh sẽ chẳng bao giờ làm ngụp được Điện Biên Phủ... Tướng Giáp bị bắt buộc phải đánh... Tôi sẽ làm tất cả cho ông ta ăn bụi, khiến ông ta phải chừa cái ý muốn thực hiện chiến lược quân sự lớn...”.
Đám sĩ quan trực tiếp chỉ huy tập đoàn cứ điểm thì lại càng khoác lác, huênh hoang hơn cấp trên của chúng. Khi nghe phóng viên bày tỏ lo ngại về thế ở dưới thấp của lòng chảo Điện Biên Phủ, với sự ví von đại ý: Điện Biên Phủ như một sân vận động mà quân Pháp chỉ là những cầu thủ chạy trong sân. Còn trên khán đài, Việt Minh mới là người làm chủ và thưởng thức trận đấu, De Castries nhún vai trả lời: “Được lắm! Họ từ trên cao bắn xuống chúng tôi ư? Tôi sẽ đội cái mũ ca lô đỏ của tôi lên cho họ trông rõ hơn”.
Báo La Dépêche du Midi thuật lại cuộc đi thăm Điện Biên Phủ ngày 19-2-1954 của phái đoàn Chính phủ Pháp do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Pleven dẫn đầu: Bộ trưởng Pleven nói với De Castries: "Ngài có biết nước Pháp đang chăm chú nhìn ngài không?". De Castries trình bày về tổ chức của tập đoàn cứ điểm. Còn một sĩ quan chỉ huy một đại đội thì nói tiếp: “Thưa Bộ trưởng, thật là một thảm họa nếu quân Việt Minh không đến chiến đấu. Vì sẽ mất đi một cơ hội độc nhất để tiêu diệt quân Việt Minh”.
Niềm tin tưởng đó bao trùm tất cả các cấp. Đến nỗi ngày 7-3-1954, khi Navarre định đưa thêm lên Điện Biên Phủ 3 tiểu đoàn nhằm làm cho ta phải từ bỏ tiến công vào Điện Biên Phủ thì De Castries trả lời: “Thật vô ích! Sẽ gay go, nhưng chúng tôi giữ được”.
Hay lố bịch hơn, quân Pháp tại đây còn chủ quan đến mức gửi thư, điện thách quân Việt Minh đánh vào Điện Biên Phủ. Chính De Castries đã cho máy bay rải truyền đơn trên các đường lớn và dùng sóng vô tuyến điện truyền đi những lời lẽ nhằm mục đích khiêu khích quân ta: “Còn đợi gì nữa mà không tiến công nếu các người không phải là những kẻ hèn... Chúng ta đợi các người”.
Và De Castries đã không phải đợi lâu, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng bắt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc chiến dịch là thất bại ê chề của quân Pháp. De Castries phải xin hàng. Những ảo tưởng về sức mạnh và lời lẽ huênh hoang là một trong những sai lầm chết người, nguyên nhân sâu xa khiến De Castries và quân Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ.