Phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rực rỡ màu cờ, băng rôn cỡ lớn chào mừng 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2023.
Đất nước đẹp vô cùng, từ cao nguyên đá Đồng Văn qua đôi bờ Bến Hải tới Đất Mũi Cà Mau, từ dãy Trường Sơn hùng vĩ mở ra vùng biển bao la của Tổ quốc với những Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Hoàng Sa... Trân quý vô cùng giá trị của độc lập, thống nhất, hòa bình, mỗi người Việt Nam lại càng khao khát hiện thực ước mơ kiến quốc “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ Hà Nội vào Nam, qua thành phố Đông Hà (Quảng Trị) khoảng mười cây số là đến sông Bến Hải, cầu Hiền Lương. Rảo bước lên 186 tấm ván lim lát mặt cây cầu chứng nhân lịch sử của nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng hơn 20 năm, mới hiểu và hình dung được sức mạnh của một dân tộc tha thiết hòa bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.
Quảng Trị từng như “cái rốn” của bom đạn trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Khói lửa, bom đạn Mỹ - Ngụy từng trải dài hàng trăm cây số từ Cửa Việt qua Đông Hà lên đến bờ Đông sông Mê Kông của nước bạn Lào. Chỉ riêng thị xã và Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm của năm 1972 phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản. Có ngày, số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968 - 1969.
Ở đôi bờ Bến Hải, sự ác liệt của chiến tranh từng len sâu vào tận ngõ ngách, từng ngôi nhà và từng thân phận con người. Nỗi đau tận cùng của sự chia cắt, phân ly có thể nhìn thấy từ hệ thống di tích lịch sử chiến tranh nơi đây. Nỗi đau đó sau 48 năm vẫn còn âm ỉ, nhắc nhớ bởi những hoài niệm của du khách, của người dân và các cựu chiến binh về mảnh đất này khi thăm đồng đội và chiến trường xưa.
Như câu ca dao rất hay từ bao đời nay của người Quảng Trị: "Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", sau chiến tranh, Quảng Trị bước vào tái thiết, xây dựng và phát triển. Nhờ bàn tay và khối óc của con người, “túi bom, rốn đạn” đang trỗi dậy từng ngày trên con đường mới, trên hành trình thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đứng trên cầu Hiền Lương, phóng tầm mắt là màu xanh của cây trái, là nhà cửa khang trang, vững chắc. Những hố bom đạn nham nhở Vĩnh Linh, Gio Linh ngày nào, giờ là nhà cao tầng bên những vườn cây trĩu quả. Phía biển Cửa Việt, Cửa Tùng đã trở thành nơi nghỉ dưỡng với nhiều khu du lịch, dịch vụ, bãi tắm đẹp và nhộn nhịp tàu vào ra vươn khơi, bám bể. Dọc quốc lộ 9, rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp và vùng chuyên canh cây trồng theo công nghệ cao, quy mô lớn đã mọc lên.
Từ Bến Hải đi sâu về phía dãy Trường Sơn để cảm nhận sự thay da đổi thịt nơi đại ngàn. Những chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các chính sách ưu tiên phát triển đã góp phần mạnh mẽ thay đổi diện mạo vùng đặc biệt khó khăn này. Trong cuộc sống mới ấy, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đang từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Điều này thấy rất rõ tại huyện Hướng Hóa, nơi có đông đảo đồng bào Vân Kiều sinh sống. Tỷ lệ hộ làm ăn khá, giỏi ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân hằng năm từ 2,5-3%, các xã và thôn đặc biệt khó khăn giảm trên 5%/năm.
Một trong những điển hình về khát vọng thoát nghèo của đồng bào dân tộc nơi đây là xã Thanh - địa bàn biên giới của huyện Hướng Hóa. Xã có hơn 800 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Pa Cô - Vân Kiều. Những năm gần đây, xã đã phát triển các mô hình kinh tế mới với các cây trồng, vật nuôi và sản phẩm mới như chuối, chanh leo, cây cà leo… xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước ASEAN và tiêu thụ trong nước. Những mô hình hiệu quả này đã tạo một luồng gió mới cho thị trường nông sản địa phương. Và ở xã Thanh, nhiều hộ đồng bào đang bàn chuyện làm giàu.
Như lời nói chất phác của anh Hồ Khưa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh: Thay cho lối tự cung, tự cấp, sinh hoạt "thật như rừng già" trước đây, bây giờ, cuộc sống của người Pa Cô - Vân Kiều ổn định hơn, khá giả hơn. Tất cả sự đổi thay đó là nhờ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và ý chí không cam chịu đói nghèo của bà con Pa Cô - Vân Kiều.
Con đường mới, cuộc sống mới, mong ước mới ở đại ngàn Trường Sơn nói riêng và Quảng Trị nói chung, theo chia sẻ của ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Đấy là Quảng Trị đã vượt qua vô vàn gian khó, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu và đạt được những kết quả nổi bật. Và dù vẫn còn nhiều khó khăn, song Quảng Trị đang có nhiều lợi thế đặc thù và những cơ hội phát triển rất lớn.
Cơ hội đó có thể thấy rất rõ từ Quảng Trị là điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) về phía Việt Nam, nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đến cảng biển Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước liên quan trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam cũng như Quảng Trị nói riêng mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch với các nước trong khu vực. EWEC đem lại cơ hội cho các quốc gia trên tuyến đẩy mạnh hợp tác khu vực và nâng cao mức sống cho nhân dân...
Rời Quảng Trị, xuyên dãy Trường Sơn theo Đường Hồ Chí Minh là tới miền Đông Nam Bộ. Sau Ngày Thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh đã tiến những bước mạnh mẽ, vững chắc trên con đường xây dựng và phát triển. Vùng Đông Nam Bộ luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước, là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp - du lịch - dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP Hồ Chí Minh.
Cũng từng đó thời gian, lớp người sinh ra trên dải đất Đông Nam Bộ kể từ ngày hai miền Nam Bắc sum họp, giờ đã có nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, những nhà khoa học, doanh nhân, trí thức, văn nghệ sỹ nổi danh không chỉ phạm vi trong nước mà còn có tiếng trên thế giới. Họ thực sự cùng với thế hệ đi trước và lớp kế sau làm nên rường cột trong sự phát triển của miền Đông Nam Bộ và đất nước hiện nay cùng chặng đường sắp tới.
Để vùng Đông Nam Bộ tiếp tục tạo ra chuyển biến có tính đột phá trong giai đoạn phát triển mới, Bộ Chính trị, Chính phủ mới đây đã có các nghị quyết, chương trình hành động mới với tầm nhìn tới năm 2045. Mảnh đất này tiếp tục được xây dựng và phát triển thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh "rực rỡ tên Vàng” là trung tâm kinh tế tri thức, tài chính quốc tế, có trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn ở khu vực châu Á, đóng vai trò là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Quyết tâm xây dựng vùng Đông Nam Bộ đó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đây là nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.
48 năm sau ngày 30/4/1975, tiếng vọng từ lịch sử vẫn đang giao hòa với cuộc sống hiện tại, trở thành niềm tự hào và hành trang quý giá để nhân dân cả nước tiếp tục tiến vào thời kỳ phát triển mới. Âm thanh của niềm tin yêu xây dựng lại Tổ quốc “bằng mười, xây lại đẹp hơn” từ Đại thắng mùa Xuân năm ấy đang rạo rực khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Ước mơ cháy bỏng ngàn đời nay là nhân dân ấm no, đất nước hùng cường, thịnh vượng, đang được cả dân tộc khao khát hiện thực. Đó cũng là hiện thực di nguyện, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.