Tác phẩm Túp lều bác Tom ( nguyên tác: Uncle Tom’s Cabin; or Life Among the Lowly), là một tiểu thuyết chống chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ của nhà văn Harriet Beecher Stowe người Mỹ. Tác phẩm được xuất bản lần đầu năm 1852, cuốn tiểu thuyết đã có ảnh hưởng sâu săc đến quan điểm đối với những người Mỹ gốc Phi và tình cảnh nô lệ ở Hoa kỳ, làm tăng thêm sự xung đột giữa các tầng lớp dẫn đến nội chiến Hoa kỳ. ( Theo Will Kaufman) . Nhiều người cho rằng “Túp lều bác Tom” chính là một mồi lửa làm bùng lên cuộc nội chiến “Bắc Nam phân tranh” kéo dài trong 5 năm từ 1860 đến năm 1865 dẫn đến việc thủ tiêu chế độ nô lệ ở Mỹ
Trong tuần đầu tiên 5.000 bản đã được bán sạch; là cuốn sách bán chạy thứ hai trong thế kỉ đó, sau Kinh Thánh và được tin là động lực cho cuộc đấu tranh bãi nô. Trong năm đầu tiên sau khi xuất bản, 300.000 bản được bán hết chỉ tính riêng tại Mỹ mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm tại các bang nước này. Cuốn sách quan trọng đến mức, khi Tổng thống Abraham Lincoln gặp Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: “ Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”.
Tác giả Harriet Beecher Stowe sinh năm 1811 tại Hoa Kỳ, là con gái của một nhà thuyết giáo theo chủ nghĩa bãi nô, suốt đời bà đấu tranh cho công bằng xã hội và tự do của những người nô lệ da đen. Bà sáng tác khá nhiều thể loại như: Thơ, sách du lịch, sách tiểu sử, sách thiếu nhi, tiểu thuyết... . “Túp lều bác Tom” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà, đã nhiều lần được chuyển thể thành phim, kịch và có ảnh hưởng lớn trên toàn Thế giới.
Tiểu thuyết “Túp lều bác Tom" kể về cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là bác Tom với chuỗi ngày đen tối, đầy tủi nhục. Bác phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn, bác phục tùng một cách không do dự khi bị bán cho ông chủ khác. Bác từng nhẫn nhục chứng kiến những đứa trẻ phải rời vòng tay mẹ, trở thành nô lệ, bác từng nhìn thấy những số phận nô lệ như mình bị đánh đập đến bất tỉnh và buộc phải quy phục. Bác sẵn lòng lượng thứ cho những tội ác mà chế độ nô lệ gây ra và không bao giờ nhúng tay vào trả thù bất cứ ông chủ nào dù là kẻ tàn bạo nhất. Cuối cùng do bảo vệ nhân phẩm của mình, bác bị đánh chết trong đồn điền trồng bông khủng khiếp ở miền Nam nước Mỹ, đây cũng là nơi chôn vùi bao cuộc đời lầm than như cuộc đời bác. Tác phẩm cũng kể về số phận của Êlida cùng đứa con bỏ trốn. Đó là một người mẹ đã hy sinh tất cả để cứu đứa con khỏi rơi vào tay một tên buôn nô lệ tàn ác.
Tác phẩm lên án đanh thép chế độ nô lệ với những chủ nô lệ, các tay sai, các con buôn vô cùng tàn bạo. Lên án Pháp luật nước Mỹ khi đó đã bênh vực chế độ nô lệ, cho phép đánh đập xiềng xích, giết chết những người da đen vô tội và trừng trị những ai che chở người nô lệ. Tác phẩm này đã tác động mạnh mẽ tới quan điểm của những người tiến bộ trong tầng lớp da trắng cũng như nhận được sự đồng cảm sâu sắc của những người nô lệ da đen. Với tác phẩm của mình, nhà văn đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mỹ, tố cáo thống thiết chế độ vô nhân đạo, khích lệ những người Mỹ có lương tâm đấu tranh để tiêu diệt nó.
“Túp lều bác Tom” ca ngợi những người nô lệ da đen là những người trung thực, biết tôn trọng phẩm giá con người như bác Tom, những người mẹ dũng cảm như Êlida, những thanh niên cương nghị, tha thiết với tự do như Gioocgiơ. Ở "Túp lề bác Tôm" mỗi người đọc có thể tìm thấy đâu đó trong xã hội tối tăm ấy vẫn tràn ngập tình yêu thương con người, nơi người ta sống trong chế độ nô lệ nhưng không bị nó làm hoen ố tâm hồn. Mỗi nhân vật đều có những vẻ đẹp tâm hồn đáng ngưỡng mộ, và tất cả họ vẽ nên một cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, những người nô lệ, dù là thân phận nô lệ, họ vẫn có quyền hạnh phúc với thân phận của họ.
“Túp lều bác Tom” của tác giả Harriet Beecher Stowe, người dịch Đỗ Đức Hiếu, do NXB Văn học ấn hành năm 2017, dày 507 trang, khổ 20,5cm đã có mặt trong thư viện nhà trường với mã số kí hiệu TK.2693.
Thư viện trường THCS Đông Dư xin trân trọng giới thiệu cùng các Thầy cô và các em học sinh yêu quý!