“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm gồm tám phần của nhà văn Phùng Quán. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Cuốn truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Tư dát, Bồng da rắn, Vịnh sưa. Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Hai năm sau đó tác phẩm được dựng thành phim.
Đến nay,”Tuổi thơ dữ dội” được tái bản nhiều lần với thiết kế trang bì khác nhau, đem đến cho bạn đọc những cảm giác mới mẻ và đầy hứng thú. Một cuốn sách dày gần 800 trang là những trải nghiệm chân thật nhất từ trước đến nay, những điều viết về một Việt Nam anh hùng gai góc từ trẻ nhỏ đến người già, là một khía cạnh khác của bước đường giành độc lập trong chiến tranh.
Đọc “Tuổi thơ dữ dội”, tôi đã khóc khi em Vịnh-sưa đã hi sinh thân mình làm cột mốc đánh dấu kho đạn địch cho quân ta, và em đã chết oanh liệt giữa biển trời đầy lửa Người ta không ám ảnh bởi biển lửa ám mùi khói xám, mà ám ảnh bởi hình bóng em bao trùm cả phố trong ánh sáng lửa đêm đen.
Đọc “Tuổi thơ dữ dội”, tôi vô cùng khâm phục và sẵn sàng cúi mình đầy hổ thẹn trước Lượm – một chiến sĩ liên lạc nhỏ tuồi. Tài giỏi, thông minh, bản lĩnh, kiên cường bất khuất, dũng cảm, gan góc, tốt bụng,… biết bao nhiêu những tính từ tốt đẹp nhất tôi có thể dành cho em cũng vẫn là chưa đủ. Em đã làm dậy sóng cả nỗi niềm yêu đất nước trong tôi, để tôi cảm thấy thật tự hào vì mình là con của một Việt Nam anh dũng. Tác giả viết về em rất nhiều, chiếm gần 1/3 quyển truyện, và những điều em đã làm thật sự khiến tôi phải nghiêng mình thán phục. Cách đây chưa đầy 2 tuần, cư dân mạng đã dậy sóng trước bộ ảnh khắc học hình ảnh chú bé Lượm của tác giả Đỗ Xuân Bút. Có thể thấy hình ảnh Lượm là nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật cho đến tận ngày hôm nay.
Cái chết của Mừng với tôi đầy ám ảnh. Bởi đến lúc cuối cùng, Mừng trăn trối “Anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí.” Câu nói đơn giản thế thôi mà khiến lòng tôi đau quặn. Đó có phải là lời ước hẹn chung của những con người đã sống chết vì hòa bình của đất nước hay không? Đó có phải là dấu nhấn cho nỗi hổ thẹn của những con người trẻ tuổi hiện nay không?
Vâng, “Tuổi thơ dữ dội” còn nhiều lắm những Vệ to đầu đã từ bỏ gánh xiếc với tên chủ ác độc để theo Vệ Quốc Đoàn, Quỳnh sơn ca vốn gia đình giàu có theo giặc nhưng em đã bỏ tất cả vinh hoa phú quý của gia đình để đi theo tiếng gọi của tổ quốc, rồi Hòa đen, Tư-dát, Bồng da rắn, Nghị, Châu sém,… Mỗi một em tuy có xuất thân khác nhau, nhưng đều vô tư hồn nhiên như nhau, và đều gan dạ dũng cảm cống hiến hết mình vì tổ quốc. Phải đọc trực tiếp cuốn sách, phải cầm nó trên tay, lật giở từng trang và đắm mình vào trong đó, mới hiểu được tại sao Tuổi thơ dữ dội được ví như một kiệt tác cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Cách hành văn của Phùng Quán vừa đơn giản vừa tinh tế, vừa hồn nhiên vừa can trường.
Có thể nói “Tuổi thơ dữ dội” là một quyển sách vô cùng đặc biệt, nó có thể làm dậy lên lòng yêu nước tưởng chừng đã ngủ quên của một người dù vô tâm nhất. Nó gần gũi bởi chính những nhân vật cũng bằng độ tuổi chúng tôi. Cuốn sách gieo vào lòng bạn đọc trẻ tinh thần yêu nước, ý thức đấu tranh cũng như trách nhiệm của thế hệ trẻ với non sông, đất nước đã được đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước.
Sẽ còn nhiều điều để nói về cuốn sách này, nhưng tôi xin mượn ý kiến của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng tạo để khép lại cuốn sách này “Tuổi thơ dữ dội” không phải là một câu chuyện cổ tích, mà là một câu chuyện có thật ở chốn trần gian, ở đó những con người tuổi nhỏ đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc”
Hãy đến với thư viện trường THCS Đông Dư để tìm đọc tác phẩm này nhé!