GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1
Cuốn sách: Truyện kể về gương hiếu học
Ngày giới thiệu: 22/1/2023
Người giới thiệu : Nhân viên thư viện
Hiếu học thể hiện một tinh thần tự nguyện, một sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, không bao giờ tự bằng lòng với những điều của bản thân, không bao giờ tự bằng lòng với những điều đã biết, đã học được. Chính vì vậy mà vai trò của việc học tập đã được khẳng định từ xưa đến nay.Trong xã hội hiện đại, khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, hơn bao giờ hết, các bạn phải có tinh thần ham học hỏi thực sự. Học không chỉ để chúng ta có thêm tri thức mà học để phát triển năng lực cá nhân, biết cách sống đúng đắn để trở thành người có ích cho xã hội.
Thư viện trường THCS Đông Dư xin trân trọng giới thiệu tới các bạn cuốn sách “Truyện kể về gương hiếu học” do Nxb Dân Trí ấn hành năm 2021, được tác giả Quang Lân sưu tầm và tuyển chọn, Cuốn sách bao gồm 199 trang được in theo khổ 13x21cm.
Cuốn sách Truyện kể về gương hiếu học giới thiệu với các bạn một số câu chuyện về gương hiếu học xưa kia của nước ta nổi tiếng như:
Thần đồng Mạc Đĩnh Chi - từ một cậu bé bán củi trở thành (Lưỡng quốc Trạng Nguyên); Nguyễn Hiền (Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất); hay chuyện kể về “Thần Siêu” tức Nguyễn Văn Siêu, từ nhỏ đã có tư chất thông minh. Mới 7 tuổi, cậu bé Siêu đã theo cha học viết chữ, đọc sách. 12 tuổi, tự làm bức hoành phi và đôi câu đối dán ở buồng học, 20 tuổi đã theo học tiến sĩ; “Thánh Quát” là vị thần đồng, thiên tài về văn chương, thi phú đương đại và cũng là bạn chí thân của “Thần Siêu”; hay giai thoại về vị tân khoa cử nhân khi tuổi xế chiều như: Đoàn Tử Quang, ông là một tấm gương về nghị lực học tập suốt đời, không kể tuổi tác để con cháu noi theo; hay về vị vua hiếu học bậc nhất trong lịch sử nước ta - Lê Thánh Tông (1460-1497) tự là Tư Thành có tên húy là Hạo, con trai út của Lê Thái Tông. Tư Thành chăm chỉ học tập, dáng dấp đoan chính, thông tuệ hơn người, được vua Nhân Tông rất yêu quý, lúc đó 18 tuổi - lên ngôi vua. Lê Thánh Tông hết lòng chăm lo việc nước: mở khoa thi, kén chọn hiền tài, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, mở rộng giao lưu buôn bán, ban hành chế độ quân điền, coi trọng việc bảo vệ biên giới quốc gia và bản đồ biên giới quốc gia Đại Việt cũng được hoàn thành dưới triều Lê Thánh Tông. Bên cạnh đó, dưới triều đại Lê bộ luật Hồng Đức cũng được ra đời, nổi tiếng mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông còn lại cho đến nay là một trong những bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất dưới thời phong kiến nước ta.
Các nhân vật trong truyện kể làm chúng ta cảm phục không chỉ ở sự thông minh mà còn ở ý chí, nghị lực vô cùng lớn lao vượt qua những gian nan, thử thách để thành công trên con đường chinh phục tri thức. Họ luôn là những tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, việc học của họ đáng để chúng ta ngày nay phải suy ngẫm. Chính tinh thần hiếu học ấy, cộng thêm ý chí đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để học thành tài và đỗ đạt cao trong các kỳ thi. Nhưng hơn hết những tấm gương ấy cũng tự trau dồi và rèn luyện để trở thành những nhân cách đạo đức lớn, đã góp sức mình giúp dân, giúp nước và được sử sách lưu danh muôn đời như những người có công đối với dân tộc.
Hy vọng các bạn đọc cuốn sách này có thêm nhiều động lực giúp cho việc học tập cũng như trong cuộc sống nhé! Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách đó, và những cuốn sách hay khác viết về những tấm gương khác tại thư viện trường THCS Đông Dư .Sách hiện có trong kho sách thiếu nhi của Thư viện trường . Rất hân hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc.