GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1
CUỐN SÁCH “XIN CHỮ”
"Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua"…
Câu thơ trong bài "Ông Đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam, về một hình ảnh đẹp - hình ảnh thầy Đồ chờ cho chữ mỗi độ Tết đến xuân về.
Hôm nay, nhân dịp tết đến xuân về tôi xin giới thiệu đến các bạn cuốn sách “Xin chữ” của Phạm Quang Nghị.
Cuốn sách dày hơn 500 trang là tập hợp những bài viết của ông trong suốt những năm tháng gắn bó với ngành Văn hóa kể từ khi ông làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương.
Nói như tự bạch của tác giả thì, những bài viết trong tập sách “Xin chữ” chính là những gì ông đã trải nghiệm, đã gắn bó. Không những là công việc của ông mà nó còn là cuộc sống mà ông đã nhìn thấy, nghe thấy thậm chí là những “va đập” không thể quên trong quá trình gần nửa thế kỷ công tác của mình. Đọng lại sau khi đọc hết trang cuối cùng của cuốn sách và khi ta khép lại những dòng ngôn từ vừa sâu lắng, vừa đa tầng cũng là lúc ta cảm nhận rõ nhất một thứ tình cảm trân quý, biết ơn mà tác giả dành tặng cho văn hóa dân tộc; dành tặng cho cuộc sống quanh ông.
Cuốn sách được tác giả khéo léo chia thành 5 phần, tưởng như độc lập với nhau; nhưng thực ra nó lại là một sự bổ trợ hoàn hảo cho nhau. Đi từ những khảo cứu, những chiêm nghiệm của quá trình hoạt động phong phú, trải qua nhiều vai trò khác nhau, những bài viết ở phần thứ nhất của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội lại cho thấy rất rõ cái nhìn của một nhà văn hóa; của một người từng xuất phát từ Khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vì thế mà, những nghiên cứu của ông về giá trị của chân - thiện - mỹ là sự nghiền ngẫm của lịch sử và được đặt trong bối cảnh hôm nay, khi mà xã hội đã đổi thay; đã phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới trong một tiến trình toàn cầu hóa nhanh chóng.
Khép lại phần thứ nhất của cuốn sách như một lẽ tự nhiên, ta bị tác giả “dẫn dụ” đến phần thứ hai với tựa đề Hà Nội trong tôi. Đọc những bài viết tập hợp ở phần thứ hai này mới thấy tình yêu Hà Nội của một người con xứ Thanh lớn lao và sâu đậm thế nào.
`Dừng lại lâu hơn trên những trang sách của phần thứ ba: Sống trong lòng người, bởi ở đó là sự tri ân sâu sắc về những thế hệ đi trước, mà tri ân theo cách rất riêng, rất văn hóa. Nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Linh – nguyên Tổng Bí thư của Đảng, ông đã mượn lời của Đại văn hào Mác xim Goóc ki: Con người hai tiếng ấy vang lên mới kiêu hãnh làm sao; hai tiếng CON NGƯỜI ấy xứng đáng được viết hoa cùng với những tính cách nổi bật của con người ấy. Viết về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã mượn lời thơ của nhà thơ Việt Phương để viết: "Người đừng đi, đừng rời bỏ đời này, Người còn đây trong tiến trình dân tộc… Những hàng me đường Sài Gòn vẫn hát, Dòng Cửu Long dâng bát ngát phù sa, Người không đi mà được về bên Bác…". Khi nhớ về đồng chí Đào Duy Tùng – Người mà nhiều năm ông được cùng công tác, ông liên tưởng đến ý thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết ca ngợi Bác Hồ "Nâng niu tất cả, chỉ quên mình"… để nói về tấm gương tiêu biểu của một người cộng sản đã sống, chiến đấu, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại… Trân trọng, ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền bối, của những thế hệ đã đi qua bằng những ngôn từ nhẹ nhàng, giản dị, sâu lắng, nhưng ẩn chứa nhiều hàm ý.
Và cũng như tất cả mọi người đều được nghỉ hưu, để gác lại những công việc bộn bề hàng ngày và khi nhận quyết định nghỉ hưu ông đã viết: "Riêng về tình cảm với Đảng bộ, với nhân dân Thủ đô, với các đồng chí có mặt trong hội trường này và rất nhiều đồng chí khác không có mặt, thì tôi không bàn giao cho ai được. Đó vừa là kỷ niệm, vừa là tài sản cá nhân mà các đồng chí và nhân dân Hà Nội đã giành cho tôi. Các đồng chí cho phép tôi giữ lại mãi mãi, cho dù kỷ niệm ấy là nồng ấm hay giá lạnh thì tất cả cũng đều đã ngấm vào da thịt chúng ta". Một niềm xúc động dâng trào không chỉ đối với các đồng chí có mặt trong hội trường và ngay cả đối với những người khi đọc đến những dòng cảm xúc này. Đó cũng chính là những tình cảm, sự tri ân của một con người mà trong mỗi hành động, việc làm, cử chỉ, lời nói, khi còn làm việc, cũng như lúc về nghỉ hưu đều toát lên một cách rất văn hóa.
Gấp cuốn sách lại người ta cảm nhận ở tầng sâu nhất, ẩn trong những con chữ là những khám phá rất đời về một nhân vật mà dân gian hiện nay hay gọi là quan chức cấp cao. Với TS Phạm Quang Nghị, bên cạnh những phẩm chất của một người làm lãnh đạo đó còn là một con người dung dị, hiếu thảo và gần gũi chan hòa. Có lẽ với ông, “sống trong lòng nhân dân” đã đem lại cho ông những suy nghĩ, những cảm nhận không thể nào tuyệt vời hơn nữa về văn hóa, về tình người, về lòng nhân ái và về sự cố kết cộng đồng.
Đọc “Xin chữ” tôi nhận thấy tất cả những điều đó hội tụ, hòa quyện một cách nhuần nhị ở ông. Ngay cả cái cách ông “Xin chữ” một nhà văn hóa Nhật Bản cũng nói lên điều đó. Hy vọng cuốn sách sẽ được những người làm công tác văn hóa cả nước nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng đón nhận.
Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Xin chữ” tại thư viện trường THCS Đông Dư để hiểu thêm về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.