Cuốn sách có chiều dài 20cm, chiều rộng 13cm, dày 1,65cm với 327 trang đọc. Cách trang trí đơn giản mà đẹp mắt. Với gam màu xanh pha mộc mạc, từng câu chữ tiêu đề như thêm nổi bật. Đặc biệt, giữa mặt cuốn sách chính là bức chân dung của bác sĩ Đặng Thùy Trâm với chiếc áo phông trắng nhẹ nhàng, mỉm cười khe khẽ dưới tán ô. Từ đó, bạn đọc cảm nhận được phần nào tâm hồn, con người cô để thêm say mê, hứng thú khi đọc cuốn sách.
Tác phẩm đã thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên qua lời giới thiệu và câu chuyện về những tấm lòng và số phận kì lạ của cuốn nhật kí. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ ấy, cuốn nhật kí đã vô tình rơi vào tay một người lính Mỹ để rồi sau gần một phần ba thế kỉ lưu lạc, đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30/4/2005 nó đã trở về với gia đình liệt sĩ. Vậy tại sao khi người lính Mỹ này nhặt được cuốn nhật kí lại không đốt nó đi, mà lại phải mất bao nhiêu công sức để tìm và trao trả cho người thân của nó? Tại sao cuốn nhật kí có sức mạnh kì diệu tới như vậy? Trong cuốn nhật nhật kí đó có thực sự có lửa hay không? Vì sao cuốn nhật kí lại được xuất bản tại 20 nước với 16 thứ tiếng?
Chủ nhân của cuốn nhật kí không ai khác, chính là liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân vào đến Quảng Ngãi, ở đó chị được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Phổ Đức, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho thương bệnh binh. Người Bác sĩ này đã đứng ra cầm súng bảo vệ cho những thương binh và đã ngã xuống như một người lính vừa rời tay súng. Trong vai trò một nữ Bác sĩ chị luôn yêu thương mọi người, chia sẽ niềm vui với mọi người, đâu với nỗi đâu của người bệnh,chăm sóc thương binh hết lòng. Đến ngày 22/6/1970 trong một chuyến đi công tác từ vùng núi về đồng bằng chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi.
Tuy không phải là nhà văn nổi tiếng, nhưng với cách viết nhật kí mộc mạc, chân thành chị đã khiến cho người đọc như được quay ngược lại thời gian, trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Những trang nhật kí của chị giống như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng ta bao đau thương, mất mát, khó khăn gian khổ khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào. Không những thế, những dòng nhật kí ngắn gọn mà tha thiết, chứa đựng toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của người con gái vốn được sinh ra nơi chốn đô thành vậy mà phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cuốn nhật kí đã được khép lại vào ngày 20 tháng 6 năm 1970. Bởi hai ngày sau đó chị đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Với 322 trang sách, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã khiến người đọc cảm nhận sâu sắc và thấm thía nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh. Chị khao khát đến cháy lòng ngày hòa bình thống nhất Bắc Nam để được về với mẹ, về với Thủ đô thân yêu. Những dòng tâm sự của chị làm cảm động đến thắt lòng và nhắc nhở mỗi chúng ta, thế hệ trẻ hôm nay phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh của họ.
“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành cuốn sách nổi tiếng,không chỉ được tác giả Việt Nam đón nhận như một biểu tượng sáng ngời về đức hy sinh, về tình yêu Tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam. Mà ảnh hưởng cuốn sách đã vượt qua biên giới, với sự cảm hóa mạnh mẽ vì những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu Tổ quốc. Chính những dòng tâm sự đó làm cảm động đến thắt lòng và nhắc nhở mỗi chúng ta là thế hệ mai sau phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hi sinh mất mát của họ. Cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” một Nữ Bác sĩ, một cây bút không chuyên đã thu hút bạn đọc, không phải vì tài văn chương mà bằng hiện thực lịch sử chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, bằng sự hy sinh cao cả, bằng tình yêu đồng chí, đồng đội và cao hơn nữa là tình yêu Tổ quốc. Chúng ta là những thế hệ con cháu được thừa hưởng cuộc sống hòa bình độc lập. Được sống, học tập và rèn luyện dưới mái trường thân thiện của xã hội chủ nghĩa, thì những dòng nhật ký kể trên rất có ý nghĩa, nó như một động lực thúc đẩy chúng ta phải cố gắng thật nhiều để đền đáplại công lao mà các thế hệ đi trước đã đem lại cho chúng ta.