1. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
Sinh hoạt Chi bộ hằng tháng, Bí thư Chi bộ tổ chức quán triệt tới đội ngũ cán bộ đảng viên, giáo viên, nhân viên (CB, ĐV, GV và NV) về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, bao gồm: Nghị quyết của Đảng các cấp; các chủ trương, chính sách đổi mới của đất nước, các quy định của ngành…Đây là một trong những hoạt động trọng tâm để làm cho CB, ĐV, GV và NV nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Nội dung giáo dục thường xuyên mà Chi bộ Đảng luôn hướng tới là làm cho mỗi CB, ĐV, GV và NV luôn có ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo bằng việc tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sang tạo.
Chi Bộ Đảng phải thực sự coi trọng xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng; thống nhất từ Cấp ủy, Ban Giám hiệu đến toàn thể CB, ĐV, GV và NV trong nhà trường, Chi bộ phải thực sự là trung tâm đoàn kết, tạo nên bầu không khí dân chủ và tinh thần hợp tác, cộng đồng trách nhiệm cao của cả tập thể sư phạm.
Nhiệm vụ xuyên suốt mà Chi bộ phải luôn quan tâm chỉ đạo, đó là hoạt động chuyên môn của nhà trường. Có thể nói sứ mệnh của nhà trường là chất lượng dạy và học. Vì vậy, vai trò của Cấp ủy đối với Ban Giám hiệu trong công tác chỉ đạo chuyên môn được xem là một nhiệm vụ chính trị to lớn; mặt khác, Ban Giám hiệu điều hành hoạt động chuyên môn bằng kế hoạch không tách rời với Nghị quyết của Chi bộ.
2. Lãnh đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội
2.1. Mối quan hệ giữa Cấp ủy và Ban Giám hiệu:
Cấp ủy có trách nhiệm xây dựng Nghị quyết để Chi bộ thông qua. Như vậy, Ban Giám hiệu điều hành hoạt động chuyên môn trên cơ sở Nghị quyết của Chi bộ. Rõ ràng, Cấp ủy đóng vai trò lãnh đạo công tác chuyên môn, còn Ban Giám hiệu đóng vai trò điều hành hoạt động chuyên môn. Với mối quan hệ này, Bí thư Chi bộ đồng thời là Hiệu trưởng thì cẩn phải xác định tách bạch, rõ ràng vai trò trách nhiệm giữa Bí thư và Hiệu trưởng. Trong trường hợp, Bí thư không là Hiệu trưởng thì cần xác định rõ vai trò lãnh đạo của Bí thư Chi bộ và vai trò điều hành của người Hiệu trưởng.
2.2. Mối quan hệ giữa Chi bộ và nhà trường:
Chi bộ thực hiện lãnh đạo nhà trường bằng nghị quyết và các chủ trương biện pháp lớn. Chi bộ định hướng công tác nhân sự cho bộ máy của nhà trường. Nhà trường tổ chức các hoạt động bằng kế hoạch trên cơ sở chủ trương, Nghị quyết của Chi bộ. Chi bộ định hướng mục tiêu bằng tư tưởng, quan điểm. Nhà trường tổ chức các hoạt động để đạt mục tiêu bằng giải pháp, biện pháp.
2.3. Mối quan hệ giữa Chi bộ với với các tổ chức đoàn thể:
Chi bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vai trò của tổ chức công đoàn, ý thức chăm lo đời sống cho các công đoàn viên, động viên đoàn viên hăng hái thi đua hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành trọng trách sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Chi bộ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đại hội đúng điều lệ quy định, chỉ đạo về công tác nhân sự theo qui chế tập trung dân chủ; chỉ đạo công đoàn bằng các chủ chương nghị quyết nhằm định hướng công tác tập hợp quần chúng xây dựng khối đoàn kết trong nhà trường.
Đối với Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Chi bộ lãnh đạo bằng Nghị quyết chuyên đề. Có thể nói, lực lượng làm nên sức mạnh của nhà trường là đoàn viên, đội viên. Vì rằng, chất lượng học tập và đạo đức học sinh là thước đo để đánh giá chất lượng của một nhà trường. Ngoài việc giáo dục đạo đức và dạy văn hóa, tuổi trẻ cần được tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng. Do vậy, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao không đơn thuần là hoạt động mang tính chất phong trào mà mục tiêu sâu xa cần đạt tới là giáo dục cho tuổi trẻ có lý tưởng, có ước mơ, có ý thức tổ chức kỷ luật và có kỹ năng sống.
Từ ý nghĩa đó, có thể xác định rằng vai trò lãnh đạo của Chi bộ trong trường học đối với các tổ chức đoàn thể là hết sức to lớn.
3. Vai trò kiểm tra, giám sát của Chi bộ
Đảng ta luôn khẳng định công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung, của chi bộ nói riêng có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những chức năng lãnh đạo của chi bộ, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên từ khi mới manh nha.
Hàng năm, chi bộ phải xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, trong đó cần tập trung kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm, về thực hiện nhiệm vụ được giao, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của chi bộ. Công tác kiểm tra định kỳ và thường niên là sự thể hiện nghiêm minh trong việc chấp hành Điều lệ Đảng. Không những thế, công tác kiểm tra giám sát của Chi bộ trong nhà trường sẽ thúc đẩy sự vận hành của bộ máy, tập hợp được quần chúng để tập trung vào mục tiêu chung của nhà trường.
Với những vai trò to lớn như đã nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng nơi nào Chi bộ Đảng trong trường học phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình thì ở đó nội bộ giữ vững được khối đoàn kết, cả tập thể đồng lòng, chung sức xây dựng nhà trường và chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ đạt kết cao.