Giữ ổn định về phương thức như năm 2023
Theo kế hoạch, thí sinh sẽ chính thức đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vào tháng 4/2024. Năm nay là năm cuối cùng thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, do đó, đòi hỏi thí sinh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Thông tin mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định về phương thức như năm 2023.
Theo đó, kỳ thi vẫn có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (đối với thí sinh học chương trình THPT) hoặc Lịch sử, Địa lý (đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương, định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay tương tự như năm 2023. Tuy nhiên, trong đề thi sẽ có một số câu hỏi vận dụng và vận dụng cao hướng đến việc giải quyết các vấn đề trong thực tế. Bên cạnh đó, độ phân hóa của đề thi năm nay sẽ ở mức cao hơn nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh.
Ngày 4/3, Bộ GD&ĐT cũng thông tin: Từ năm 2025, học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học.
Nhà trường tăng tốc ôn tập, hỗ trợ học sinh bằng nhiều hình thức
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội có thông tin về việc năm nay nhiều cơ sở giáo dục đại học không còn sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh.
Trước việc này, thí sinh lưu ý cập nhật thông tin trên kênh chính thức của Bộ GD&ĐT (https://moet.gov.vn) và cổng thông tin điện tử của các trường, tránh nghe từ các nguồn không chính thống ảnh hưởng đến việc học tập.
Theo ghi nhận từ hơn 100 cơ sở giáo dục đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024 cho thấy, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh vẫn là phương thức truyền thống của các nhà trường.
Từ nay đến thời điểm diễn ra kỳ thi là khoảng thời gian nước rút của học sinh cuối cấp, vì vậy, các nhà trường đều tăng tốc ôn tập, hỗ trợ học sinh bằng nhiều hình thức.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) Dương Hai Bảy Mươi cho biết, năm nay, nhà trường có hơn 600 học sinh lớp 12. Trong thời gian này, nhà trường thường xuyên phổ biến, nhắc nhở học sinh và cha mẹ học sinh ghi nhớ quy định cấm mang vào phòng thi các vật dụng: Giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin.
Trong số những nội dung cần chuẩn bị thời điểm này, thí sinh cần cập nhật thông tin về các ngoại ngữ có tính pháp lý, đối chiếu với các văn bằng, chứng chỉ mình đang có. Bộ GD&ĐT sẽ công bố danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, nếu thí sinh xét tuyển đại học có môn ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển thì vẫn phải dự thi môn này.
Năm nay, cả nước có khoảng 1 triệu thí sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó Hà Nội là địa phương có số thí sinh tham gia đạt tỷ lệ cao và chiếm 1/10.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có kế hoạch khảo sát chất lượng toàn bộ học sinh lớp 12 vào đầu tháng 4 này về các môn thi tốt nghiệp THPT. Sở cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường phổ biến, quán triệt kỹ quy chế thi, đồng thời quan tâm giáo dục tư tưởng, đạo đức cho thí sinh để các em nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của kỳ thi.