Cụ thể, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết HS lớp 9 năm nay là lứa HS hoàn thành bậc THCS cuối cùng của chương trình giáo dục 2006. Vì vậy về cơ bản kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 sẽ giữ ổn định tương tự như năm 2023.
Đề thi chú trọng năng lực vận dụng
00:00 / 07:36
Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay cấu trúc đề ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới sẽ không thay đổi so với tuyển sinh năm học 2023 - 2024 bao gồm 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).
Trong đó, ở phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin,văn bản văn học, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.
Ở phần nghị luận xã hội, TS sẽ vận dụng các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động để viết bài nghị luận khoảng 500 chữ với đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.
Còn ở phần nghị luận văn học, theo thông tin ông Thành cung cấp, TS được lựa chọn một trong 2 đề để làm bài. Trong đó, đề 1 sẽ yêu cầu TS tự chọn một tác phẩm (hoặc đoạn trích) theo yêu cầu của đề, cảm nhận tác phẩm ấy và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống. Còn đề 2 đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu TS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.
Tương tự với đề thi môn toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách môn học này của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết giữ nguyên cấu trúc, mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao.
Cụ thể, đề thi gồm 8 câu, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản và 1 câu về hình học phẳng. Trong đó, câu 1, 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan đến thực tế. Trong đó sẽ có 1 - 2 câu ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó, 2 bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.
Với đề thi môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay sẽ có 40 câu hỏi (0,25 điểm/câu). Trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, yêu cầu nâng cao chỉ chiếm từ 10 - 15%. Chuyên viên phụ trách môn thi này nhấn mạnh đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng.