Để con "học đâu nhớ đó" trong các kỳ thi lớp 10 hay tốt nghiệp THPT, chuyên gia dinh dưỡng khuyên cha mẹ cần cung cấp cho con đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, không nên kiêng khem những thực phẩm theo quan niệm dân gian cho là xui xẻo như: chuối, trứng gà, đậu đen...
Từ lâu, hàng năm, mùa thi của con thường được ví von là “mùa lo” của cha mẹ. Trong giai đoạn "nước rút" trước kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT 2024, nhiều học sinh liên tục rơi vào tình trạng thiếu ngủ, căng thẳng và mệt mỏi sau thời gian dài ôn luyện.
Điều này khiến các bậc phụ huynh cảm thấy rất lo lắng. Bởi vậy, việc xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe cho con trong thời điểm này đang là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm.
Mùa thi là "mùa lo" của cha mẹ. Ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT năm 2023 (Phi Hùng)
Không phải cứ ăn nhiều là khỏe, học nhiều là tốt
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, quá trình ôn thi căng thẳng, não bộ hoạt động nhiều nên việc bổ sung chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường cho các sĩ tử là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh cố ép con ăn nhiều hơn sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa cũng như toàn bộ quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Điều đó không chỉ khiến các sĩ tử cảm thấy nặng nề, khó chịu mà còn bị phân tán năng lượng để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến khó tập trung để học tập.
Tuyệt chiêu mùa thi: 3 lời khuyên cho sĩ tử
Đầu tiên, bổ sung dinh dưỡng cân đối từ 4 nhóm chất: Để con được cung cấp đủ năng lượng, cha mẹ chú ý trong các bữa ăn cần đảm bảo có 4 nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc, khoai lang, khoai tây, ngô), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Đồng thời, mỗi ngày nên uống đủ 2 lít nước, ăn thêm những loại rau củ, hoa quả nhiều nước như: cam, dưa hấu, dưa chuột… Nước giúp vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng quan trọng đến các tế bào não. Khi não được cung cấp đủ oxy sẽ giúp trẻ tỉnh táo hơn, tiếp thu bài học tốt hơn.
Thứ hai, cố gắng duy trì giấc ngủ điều độ: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi cũng là điều quan trọng để sĩ tử đủ tỉnh táo tăng hiệu quả học tập.
Áp lực bài vở nhiều cộng với tâm lý lo lắng sẽ khiến nhiều em học sinh cho rằng, càng học nhiều càng tốt. Việc thức đêm triền miên, ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến tình trạng não luôn bị kích thích làm việc liên tục, không hiệu quả.
“Các em nên ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, buổi tối nên học bài sớm và cố gắng ngủ trước lúc 23 giờ, sau đó sáng dậy sớm để học bài, sẽ tốt hơn là học quá khuya gây mệt mỏi cho cả ngày hôm sau và không tốt cho cơ thể về lâu dài. Các em cũng nên sắp xếp ngủ trưa từ 20-30 phút để có thể tỉnh táo trong buổi chiều.” - TS.BS. Hưng nói.
Thứ ba, nên dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao nhằm cân bằng giữa hoạt động trí não và thể lực.
Hoạt động thể lực tuy không phải là "thức ăn bổ não" nhưng lại hết sức cần thiết vì giúp máu lưu thông tốt, mang oxy và dưỡng chất tới cho não nhiều hơn nên các em sẽ "sáng trí" hơn khi học tập.
Bên cạnh đó, tránh ngồi học quá lâu. Nên có những khoảng thư giãn nhỏ 5-10 phút giữa mỗi 30-60 phút ngồi học để đầu óc được thư giãn và tuần hoàn lưu thông, giúp học tập trung hơn, tránh để đầu óc quá căng thẳng. Có thể tận dụng thời gian nghỉ này để vận động bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để giúp não nghỉ ngơi.
Tránh xa thức uống có chứa chất kích thích: trà, cà phê, tăng lực
Ôn thi căng thẳng, lượng bài vở lớn, để dành nhiều thời gian hơn cho việc ôn thi tốt nghiệp THPT, nhiều sĩ tử thường uống trà, cà phê và nước tăng lực với mong muốn giúp cơ thể tỉnh táo hơn.
Tuy nhiên, theo giải thích của TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, sử dụng các chất kích thích chỉ mang lại tác dụng tạm thời, khiến bạn bị phân tán, tạm quên đi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi trong chốc lát và không có lợi cho trí nhớ. Đáng nói, chất caffeine có trong các thức uống trên có thể gây mất ngủ, nhức đầu, làm tim đập nhanh, có hại cho não và hạn chế quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể.