Con trai kén ăn, không thích cá, thịt gà, hay hải sản mà chỉ mê thịt lợn, chị Dương Thanh Huyền lên mạng học cách làm món nướng, quay giúp con ngon miệng.
Từ khi con ôn thi lớp 10, gia đình chị Huyền ở huyện Thanh Trì, chuyển sang chế độ sinh hoạt và ăn uống mới. Công việc của chồng chị linh động thời gian hơn nên được giao bếp núc bữa trưa và tối. Cơm tối luôn bắt đầu trước 18h để con kịp ca học tối đến 20h30.
Hoàng, con trai chị Huyền, cũng được miễn làm việc nhà để tập trung ôn luyện.
"Gia đình muốn con dành toàn bộ thời gian học. Đến bữa có cơm, canh sẵn; hoa quả, sữa phục vụ tận nơi", chị Huyền nói.
Phụ huynh này cho hay con trai kén ăn, không thích cá, thịt gà, vịt hay hải sản mà chỉ mê thịt lợn. Hôm nào có món yêu thích, Hoàng có thể ăn 2-3 bát, nếu không, chỉ ăn chống đói. Vì thế chị tìm hiểu trên mạng cách chế biến thịt lợn thành những món khác nhau để con ngon miệng như thịt nướng, thịt quay hay thịt kho trứng.
Ngoài ra, chị mua vài thùng sữa để con uống rả rích trong ngày, bổ sung các loại hoa quả để có chất xơ.
"Thời điểm này, tôi ưu tiên những món con thích, bố mẹ và em ăn theo", chị Huyền cho hay.
Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội diễn ra 10-12/6 với gần 105.000 thí sinh tham dự, trong khi chỉ tiêu khoảng 72.000. Ngoài đưa đón học hành, ôn luyện, nhiều phụ huynh chú ý việc ăn uống, thuốc men để tẩm bổ cho con.
Minh, con trai chị Lê Minh Hà, ở quận Cầu Giấy, vốn phải hãm ăn uống vì thừa cân nhưng gần đây được cho ăn thoải mái hơn. Thời tiết nóng bức, chị liên tục thay đổi thực đơn các món mà con thích như canh chua, canh cua, mồng tơi mướp hay bầu, bí. Minh còn được mẹ cho uống thuốc tăng cường đề kháng của Nhật có giá vài trăm nghìn đồng một lọ.
"Con vừa uống hết một lọ, tôi đang phải nhờ mua thêm lọ nữa. Thời tiết như thế này cần tăng cường để kháng để con không bị ốm vặt", chị Hà nói. Chị còn tự làm tào phớ, nấu thạch rau câu và các loại chè cho con. Tủ lạnh luôn có sẵn các loại sữa chua, milô hay sữa men nước giúp tiêu hóa tốt.
Các phụ huynh cũng dặn nhau kiềm chế quát, mắng, gây ồn ào, tránh làm con căng thẳng. Vợ chồng chị Giang Mai Thanh ở quận Thanh Xuân, thường cho con xem phim, nghe nhạc hay cover các điệu nhảy Hàn Quốc khi rảnh. Còn chị Nguyễn Thanh Tâm ở quận Hà Đông âu yếm và trò chuyện nhẹ nhàng với con.
"Trước khi đi làm hay đi ngủ, tôi ôm con và nói 'mẹ yêu con'. Thỉnh thoảng tôi cũng ngủ cùng để nhắc con đi ngủ sớm và hỏi xem đang có vướng mắc gì không’", chị Tâm nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ông thường được nhờ tư vấn chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cho con của phụ huynh vào mỗi mùa thi.
Ông cho hay không có thực phẩm nào riêng biết giúp tăng cường trí nhớ và sự minh mẫn, thay vào đó phụ huynh cần xây dựng thực đơn ăn đa dạng, đủ chất và cân bằng.
Với thời tiết nóng bức của mùa hè, ông Hưng khuyên nên chọn các loại thực phẩm đúng mùa để hạn chế nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Món chế biến xong phải ăn nhanh nhất có thể. Nếu chưa hết, phụ huynh bảo quản trong tủ lạnh, phân chia giữa sống, chín. Bố mẹ lưu ý đừng làm món gì lạ với con.
Ngoài các món ăn từ thủy hải sản hay gia cầm, gia súc như vịt, gà, thịt lợn, bò, phụ huynh còn nên để ý tới chất đạm từ sữa và trứng. Thực đơn hàng ngày không thể thiếu rau xanh, củ quả.
"Bát canh cua vừa cung cấp canxi lại vừa có chất đạm tốt cho sức khỏe", bác sĩ Hưng gợi ý. Ngoài ra, phụ huynh nên chia thành các bữa nhỏ cho trẻ dễ ăn.
Bác sĩ Hưng nhận định phụ huynh đã để ý hơn tới dinh dưỡng cho con nhưng hay bị lo lắng và trầm trọng hóa vấn đề. Kỳ thi quan trọng nhưng các bố mẹ không nên tạo áp lực cho con cả về học hành lẫn ăn uống. Sai lầm của phụ huynh là ép con ăn trong thời gian ngắn và mua các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng để tăng cường trí nhớ, minh mẫn. Việc bổ sung cần có ý kiến của bác sĩ.
"Dinh dưỡng cũng như giáo dục, phải có thời gian, quá trình chứ không chỉ tập trung thời điểm thi cử", ông nói, khuyến cáo việc tẩm bổ quá nhiều, không hợp lý dẫn tới nguy cơ béo phì, khó tiêu.
Ngoài ra, việc ăn uống đầy đủ phải đi cùng với chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Phụ huynh không nên để con thức khuya, ngủ thất thường.
"Cách giúp trẻ bớt căng thẳng và học hiệu quả hơn là khuyến khích các em duy trì hoạt động thể lực, đơn giản nhất là giúp đỡ bố mẹ, ông bà làm việc nhà", ông Hưng nói.