Định hướng nghề nghiệp tại các nước phát triển trên thế giới
Việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai thường chỉ được quan tâm khi bước vào giai đoạn cuối cấp hay trên giảng đường đại học.
Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như: Đức, Mỹ, Nhật Bản… đã đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc trung học cơ sở.
Bởi tại các quốc gia này, việc định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp nâng cao năng suất lao động và học sinh dễ dàng ổn định sau tốt nghiệp.
Tại Mỹ, nhiều trường đã sớm đưa vào các môn học định hướng và trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh ngay từ lứa tuổi trung học cơ sở.
Điều này không chỉ giúp học sinh Mỹ có góc nhìn thực tế về nghề nghiệp, có thái độ và quan điểm rõ ràng về tương lai mà còn góp phần tạo lập thói quen làm việc chuyên nghiệp, học tập chủ động sau này.
Tại Hàn Quốc, tất cả các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông phải có ít nhất một giáo viên giảng dạy có nhiệm vụ tạo điều kiện cho học sinh phát triển định hướng nghề nghiệp.
Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chiếm khoảng 10% trở lên trong tổng số giờ học, bao gồm những hoạt động tình nguyện và hướng nghiệp.
Các hoạt động hướng nghiệp tại quốc gia này giúp học sinh hiểu về bản thân và lập kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai.
Nhật Bản, Hà Lan là những quốc gia chú trọng việc tổ chức những buổi hội thảo định hướng nghề nghiệp ngay trong trường học, là cơ hội để học sinh tìm hiểu kỹ càng từ đó đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân.
Nhà trường cũng sẽ tổ chức các cuộc trò chuyện hướng nghiệp với học sinh và ghi lại video. Đồng thời, giúp người học phát triển năng lực nghề nghiệp bằng cách đưa ra những câu hỏi phù hợp.
Lớp 9 - “Thời điểm vàng” để định hướng nghề nghiệp
Bắt kịp theo xu hướng thế giới, việc định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam cũng được thực hiện ngay từ 14 tuổi, bởi độ tuổi này tính cách của các em đã dần hình thành để khám phá và tìm hiểu bản thân. Theo đó, định hướng nghề nghiệp sớm được chú trọng hơn ở cấp trung học cơ sở, cụ thể là ngay khi học sinh vào lớp 9. Đây được xem là “thời điểm vàng” để hướng nghiệp, tạo bước đi đầu tiên giúp các em định hình năng lực trên cơ sở sở thích, sở trường, sức khỏe và năng lực của mình.
Thực tế, công tác định hướng nghề nghiệp tại nước ta đã được lồng ghép và tích hợp với các hoạt động giáo dục phù hợp, giúp học sinh nhận ra tố chất riêng của chính mình, khám phá thế mạnh bản thân từ đó chủ động đưa ra các quyết định về việc học tập, mục tiêu sự nghiệp trong tương lai. Các môn học có hệ thống chuyên đề rõ ràng nhằm phân hóa sâu, giúp học sinh vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hướng nghiệp.
Việc định hướng nghề nghiệp sớm giống như “vẽ đường cho hươu chạy”, nó sẽ giúp mỗi cá nhân khoanh vùng được phạm vi nghề nghiệp, xác định rõ ngành học đúng với khả năng và nguyện vọng của mình để theo đuổi. Từ đó hạn chế các rủi ro trong tương lai như bỏ nghề, làm trái nghề, làm nhiều nghề khác nhau hay thậm chí thất nghiệp.
Định hướng nghề nghiệp sớm giúp các em hình thành lộ trình học tập phù hợp với mục tiêu rõ ràng. Học sinh có được phương pháp học tập tốt nhất để phát huy được lợi thế và kiểm soát điểm yếu của bản thân, đủ thời gian để tu dưỡng và tập trung phát triển theo đúng định hướng nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, tránh được áp lực và xung đột với bố mẹ do phải theo học những ngành trái với tiềm năng, đam mê và sở thích.
Đặc biệt khi được định hướng sớm, các em sẽ tập trung đầu tư ngay từ ban đầu, tránh lãng phí sau này. Không ít trường hợp hiện nay “bỏ dở” giữa chừng vì cảm thấy không phù hợp với công việc hiện tại. Điều này gây tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc và cả công sức của bản thân, gia đình, công tác đào tạo.
Nếu được định hướng đúng đắn ngay từ lớp 9, các em sẽ có bước đệm chắc chắn hơn cho tương lai của mình. Sau khi khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em sẽ lựa chọn được cho mình môi trường cấp 3 phù hợp với khả năng, ước mơ, đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện để từ đó chủ động xây dựng lộ trình phát triển bản thân trong tương lai.