Chia sẻ thông tin về IELTS để mọi người có cái nhìn đúng về chứng chỉ này, Tiến sĩ Nguyễn Song Hiền, chuyên gia giáo dục, Viện quản lý và công nghệ Châu Âu, đồng thời đưa ra những lưu ý nhằm tránh dẫn đến lạm dụng chứng chỉ này, làm sai lệch bản chất của việc học Ngoại ngữ.
IELTS không phải “chìa khóa vạn năng”
- IELTS được nhiều gia đình, học sinh, sinh viên sẵn sàng đầu tư để học, thi. Lý do, đạt điểm cao chứng chỉ IELTS là lợi thế lớn trong tuyển sinh ĐH, tìm việc làm. Ông có thể chia sẻ những thông tin cơ bản về IELTS để mọi người có cái nhìn đúng, hiểu đúng về chứng chỉ này?
Để trả lời câu hỏi trên, trước hết chúng ta cần có một cái nhìn khái quát về quá trình hình thành và phát triển của IELTS.
IELTS là từ viết tắt của the International English Test System. Đây là hệ thống kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế dành cho những người không nói tiếng Anh bản địa.
Tuy nhiên, tiền thân của hệ thống kỳ thi này là the English Language Test Service (tan dịch là dịch vụ kiểm tra tiếng Anh) được thành lập năm 1980 bởi the British Council (Hội đồng Anh) và the Cambridge English Language Assessment (Tổ chức đánh giá năng lực tiếng Anh Cambridge).
Vì số lượng người tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh nói trên thấp, nên vào năm 1989 nó được thiết kế lại nhằm phục vụ cho nhu cầu quốc tế.
Để thực hiện dự án này, chương trình phát triển quốc tế các trường đại học và cao đẳng của Úc đã tham gia liên kết với Hội đồng Anh và Cambridge để thành lập nên hệ thống IELTS như ngày nay.
Hiện nay, chứng chỉ IELTS được sử dụng cho các mục đích cơ bản như tuyển dụng, di cư, tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học ở một số nước dạy tiếng Anh, cho một số công việc đặc thù khác.
Như vậy, có thể thấy, đây chỉ là một trong những tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Anh dành cho những người ở những quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa.