Là người đồng hành với quá trình ôn thi vào lớp 10 của cùng nhiều khóa học sinh, cô Ngô Thu Mỹ, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã chia sẻ những kinh nghiệm để các học sinh có thể áp dụng dễ dàng, hiệu quả trong ôn thi môn Văn.
Cần nắm rõ cấu trúc và các dạng đề bài
“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Vậy, để thắng trận - tức giải đề thành công, các em phải nắm rõ cấu trúc đề”, cô Mỹ nói.
Cô Mỹ cho hay, đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn ở Hà Nội gồm 2 phần: Phần khai thác ngữ liệu văn bản trong chương trình lớp 9 và phần đọc hiểu ngữ liệu mở rộng toàn cấp và ngoài chương trình. Các câu hỏi có thể chia làm 2 dạng lớn: Các câu hỏi đọc hiểu; Tạo lập văn bản nghị luận: nghị luận văn học (đoạn văn) và nghị luận xã hội (đoạn văn hoặc bài văn).
Câu hỏi đọc hiểu ngữ liệu ngoài chương trình lớp 9 tuy khá phong phú nhưng ở mức độ cơ bản, không quá khó: Gọi tên phương thức biểu đạt, khái quát nội dung chính, khai thác nội dung/ý nghĩa của chi tiết (Theo tác giả, vì sao/điều gì...? hoặc "theo em, vì sao X cho rằng ..?" hoặc "câu văn, hình ảnh... giúp em hiểu gì về...?); Tiếng Việt (Ghi lại thành phần biệt lập/Chỉ ra phép liên kết/Sử dụng biện pháp tu từ nào?...). Số này thường chiếm khoảng 1 - 1,5 điểm.
Câu hỏi đọc hiểu ngữ liệu văn bản lớp 9 có thể hỏi bất kì nội dung nào, thường chia thành cấp độ nhận biết và thông hiểu. Ngoài các câu hỏi nhận biết về tên văn bản/tác phẩm, tác giả, hoàn cảnh/năm sáng tác... nội dung câu hỏi thường khai thác theo thể loại:
- Truyện: Hỏi về nhân vật (nhân vật chính là ai, hoàn cảnh sống và công việc, vẻ đẹp...), người kể chuyện, ngôi kể (gọi tên và nêu tác dụng của việc lựa chọn ngôi kể), tình huống truyện (xác định tình huống và nêu tác dụng), nội dung và ý nghĩa của các chi tiết đặc sắc...
- Thơ: Đề thường hỏi về mạch cảm xúc, phân tích các chi tiết, từ ngữ, hình ảnh thơ đặc sắc; chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ; liên hệ đến các câu thơ khác tương đồng về nội dung, hình thức...
Các câu hỏi chung cho cả 2 thể loại: Yêu cầu giải thích nhan đề, tiếng Việt (từ loại, thành phần câu, các kiểu câu...). Tùy từng đề sẽ có mức điểm cụ thể nhưng thường chiếm khoảng 2 - 3 điểm.
Kiểm soát, đong đếm được lượng kiến thức cần ôn
“Khác với môn Toán, môn Văn thường khiến chúng ta ngại và sợ. Chỉ nghĩ đến việc phải học thuộc một lượng kiến thức khổng lồ, học sinh đã có cảm giác lo lắng. Đôi khi thấy mình mất phương hướng, không biết nên bắt đầu từ đâu... Vậy cách thức hữu hiệu là cần nắm rõ lượng kiến thức cần ôn”, cô Mỹ nói.
Theo cô Mỹ, cần phân loại kiến thức thành kiến thức bắt buộc phải thuộc và kiến thức chỉ cần ôn đủ hiểu (không cần thuộc từng lời) là có thể “chém ngọt”.
“Lưu ý là “chém” đúng kiến thức trên cơ sở đủ kĩ năng, áp dụng chuẩn với khả năng tư duy ngôn ngữ ổn”, cô Mỹ nhắn nhủ.
- Các thông tin cần ôn thuộc là những kiến thức khái quát: Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, mạch cảm xúc...
- Kiến thức cần ôn hiểu (sẽ nhớ) gồm 2 loại:
+ Dùng chung cho cả dạng trong và ngoài chương trình 9. Ví dụ, kiến thức về tiếng Việt: Biện pháp tu từ, câu, thành phần câu, cụm từ, từ loại... và tập làm văn: Phương thức biểu đạt, các phương pháp lập luận, phép liên kết...
+ Riêng: Kiến thức của từng văn bản, chúng ta nên chia cụ thể theo thể loại, thành các nhóm cùng chủ đề, giai đoạn.
“Các em sẽ nhận ra là kiến thức cần thuộc thực ra cũng chỉ vài trang giấy. Kiến thức cần hiểu cũng cụ thể thành 4 văn bản truyện, 9 văn bản thơ và một lượng nhỏ văn bản nước ngoài, nhật dụng, nghị luận. Khi định lượng rõ ràng, các em cứ yên tâm ôn tập”, cô Mỹ nói.
Cần có phương pháp ôn tập hiệu quả
Trước hết, các em cần hệ thống kiến thức. “Có lẽ lúc này, học sinh nào cũng có bộ tài liệu ôn tập rất chi tiết, thành văn, để chỉ cần học thuộc lòng. Thậm chí, nhiều bạn còn sưu tầm các cuốn tài liệu khác với dự định tham khảo để có thể biết càng nhiều càng tốt. Nhưng trong giai đoạn ôn "nước rút", đó có thể là sai lầm (trừ khi bạn là học sinh giỏi văn).
Bởi mỗi thầy cô lại triển khai nội dung theo các cách thức khác nhau, "trăm hoa đua nở" khiến các em “rối càng thêm rối”. Lời khuyên ở đây là các em hãy tin tưởng ở thầy cô của mình. Tài liệu thầy cô soạn, họ sẽ biết cách để hướng dẫn các em cách ôn thế nào, bổ sung thêm ra sao, vào những thời điểm thích hợp".
Song dù chỉ một tài liệu, theo cô Mỹ, cơ bản nó vẫn rất dài trong khi thời gian ôn còn rất ngắn. Vậy học sinh cần khái quát và kết nối thông tin hiệu quả để dễ nhớ hơn. Các em hãy sử dụng bảng hệ thống kiến thức và sơ đồ tư duy - mindmap.
"Nếu các em chỉ cầm tài liệu và đọc thuộc lòng, những thông tin sẽ nhanh chóng nhớ, rồi quên nhanh hơn thế. Các em cần tinh gọn thông tin bằng các từ khóa và kết nối chúng. Sợi dây liên kết sẽ giúp thông tin khó quên và nếu quên, cũng dễ dàng tìm lại bằng những từ khóa liên kết logic”, cô Mỹ chia sẻ.
Tự ôn bài là hình thức quan trọng. “Lời khuyên của chuyên gia là nên ôn bài vào buổi sáng. Sau một đêm nghỉ ngơi đủ, não bộ sẽ tỉnh táo nhất để thu nạp thông tin. Song nếu bài ôn quá nhiều khiến các em lo lắng, cần sắp xếp để chia nhỏ lượng ôn tối và sáng, ôn xen kẽ các đơn vị kiến thức khác nhau. Nếu các em đã quá mệt, thay vì ôn cố, hãy rèn thói quen ngủ 5 - 10 phút. Học sinh hãy sử dụng phương pháp: Ôn 25 phút, nghỉ 5 phút. Cách ôn này sẽ giúp bạn tập trung cao độ và vì vậy nó rất hiệu quả, đặc biệt với môn Văn”.
Các em cũng có thể ôn theo cặp đôi. “Cách này vừa vui vừa hiệu quả. Với hình thức này, các em sẽ có người kiểm soát chất lượng ôn bài và vấn đáp trực tiếp để rèn tư duy nhanh nhạy”.
Cần luyện đề để rèn bản lĩnh
Học sinh đừng nghĩ làm càng nhiều đề càng tốt. Theo cô Mỹ, không quan trọng ở số lượng đề bạn ôn, quan trọng là chất lượng bạn làm đề ra sao.
"Trước khi thực hiện bước này, các em cần xác định rõ mục tiêu: Muốn đạt bao nhiêu điểm. Khi đã rõ điều này, các em sẽ biết dạng câu nào bạn không được phép mất điểm. Từ đó, học sinh sẽ có động lực để rèn đi rèn lại cho đến khi làm chủ kiến thức và kĩ năng để đạt được số điểm tuyệt đối ở dạng câu đó”, cô Mỹ khuyên.