Nhiều người cho rằng chăm chỉ dùi mài kinh sử là cách tốt nhất để đạt kết quả cao trong các kỳ thi và trở thành người học ưu tú. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra những sinh viên ưu tú thật sự dành ít thời gian cho việc học hơn bạn bè cùng trang lứa. Thay vào đó, họ học tập một cách thông minh và hiệu quả.
|
Nhiều sĩ tử lo lắng khi sắp bước vào kỳ thi quan trọng. Ảnh: Pexels.
|
Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả ôn thi
Theo Sciennewsforstudents, nhiều phương pháp học tập kém hiệu quả nhưng vẫn được nhiều người học ưa chuộng như đọc lại nhiều lần, học thuộc lòng, ghi chú, tóm tắt, gạch chân. Họ có thể ngồi học liên tục nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày và ảo tưởng rằng mình đang học chăm chỉ, hiệu quả.
Trên thực tế, họ chỉ đang cố gắng nhồi nhét kiến thức bằng cách nhắc đi nhắc lại những khái niệm. Bên cạnh đó, nhiều người còn cố gắng học nhiều thứ cùng một lúc và dễ bị xao nhãng, mất tập trung khi sử dụng thiết bị công nghệ hỗ trợ như máy tính, điện thoại.
Một số phương pháp học tập quen thuộc chỉ phát huy hiệu quả khi học kiến thức mới và không có nhiều tác dụng trong việc ôn tập, nhớ kiến thức lâu dài.
|
Việc học nhồi nhét không mang lại hiệu quả. Ảnh: Pexels.
|
Phương pháp học tập, ôn thi hiệu quả
Trong khi đó, 2 phương pháp học tập, ôn thi nổi tiếng nhất, được các chuyên gia khuyên áp dụng là active recall (chủ động gợi nhớ) và spaced repetition (lặp lại cách quãng).
Phương pháp active recall tập trung vào việc luyện cho não kỹ năng ghi nhớ và tra cứu kiến thức đúng lúc. Active recall hiệu quả nhất khi tìm hiểu về các khái niệm, lý thuyết, học cách phát hiện câu hỏi đang đặt ra là gì và khi nào áp dụng khái niệm nào để giải quyết vấn đề.
Phương pháp spaced repetition dựa vào nghiên cứu về Đường cong lãng quên, theo đó, khi mới học, não sẽ ghi nhớ thông tin ngay nhưng thời gian càng lâu, người học càng quên kiến thức nhiều hơn.
Vì thế, đúng như tên gọi của mình, phương pháp spaced repetition sử dụng cách lặp lại cách quãng để liên tục ôn "gối đầu" kiến thức khi não sắp quên, từ đó, người học nhớ được lâu hơn.
Việc ngày nào cũng học miệt mài với kiến thức giống nhau sẽ tạo cảm giác chán nản, mệt mỏi và không cho não thời gian nghỉ ngơi, lưu trữ, sắp xếp dữ liệu. Vì thế, active recall và spaced pepetition là bộ đôi phương pháp ôn thi hoàn hảo, được sử dụng để bổ trợ cho nhau.
Các chuyên gia cho biết có nhiều cách cụ thể để thực hành những phương pháp trên, điều quan trọng, người học phải ghi nhớ những từ khóa “chủ động”, “cách quãng” khi ôn tập kiến thức. Nhiều người ưa chuộng sử dụng flashcard (thẻ học) để học từ vựng ngoại ngữ, thuật ngữ, khái niệm khó nhớ.
Flashcard có một mặt ghi từ vựng, khái niệm, mặt còn lại ghi giải thích chi tiết, ví dụ hoặc đáp án. Người học chỉ nên ghi lại kiến thức khó nhớ, không nên ghi quá cụ thể mà hãy tạo thử thách cho não bộ.
Ghi cái gì, bỏ cái gì phụ thuộc hoàn toàn vào từng người học, không có quy tắc cụ thể. Flashcard có thể làm trên giấy hoặc sử dụng ứng dụng hỗ trợ sẽ tiện lợi hơn, lưu trữ được nhiều thông tin hơn.
Người học có thể tiếp thu kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau như đọc văn bản, xem hình ảnh, sơ đồ, nghe âm thanh. Một số người phải đọc lên thành tiếng mới nhớ lâu, có người lại cần hình ảnh minh họa, sơ đồ trực quan, sinh động.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hình ảnh giúp kiến thức được ghi nhớ lâu hơn. Vì thế khi học không nên cứng nhắc theo một hình thức cụ thể nào mà có thể kết hợp nhiều hình thức như vẽ sơ đồ, đọc to thành tiếng, hỏi đáp cùng bạn học.
Việc vẽ mindmap (sơ đồ tư duy) phù hợp nhất với kiến thức phức tạp, có liên quan đến nhau như các bộ phận của cơ thể người, máy móc, tiến trình lịch sử. Khi ôn tập, người học nên gấp sách lại rồi vẽ mindmap theo trí nhớ, khi vẽ xong mới mở đáp án ra đối chiếu.
Ngoài ra, họ không nên chỉ tập trung vào đáp án mà hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân. Thử đóng vai người ra đề thi và suy nghĩ xem họ muốn hỏi thí sinh những điều gì, phần kiến thức nào là quan trọng? Nếu có bạn cùng học ôn thì cả hai có thể thay phiên hỏi đáp để kiểm tra kiến thức của nhau.
Người học không nên học đi học lại cùng một nội dung trong một khoảng thời gian dài, thay vào đó hãy lên lịch học các môn học xen kẽ nhau. Họ nên tính toán thời gian ôn nhắc lại phù hợp theo phương pháp lặp lại cách quãng để liên tục ôn "gối đầu" kiến thức.
|
Người học cũng cần chú ý đến sức khỏe thể chất. Ảnh: Pexels.
|
Trước khi ôn thi, họ nên lập kế hoạch cụ thể, kiên trì theo đuổi. Bên cạnh đó, học sinh cần thống kê rõ ràng những công việc cần thực hiện kèm theo thời gian cụ thể, ước lượng khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành mỗi đầu việc. Nhờ vậy, người học sẽ tiết kiệm nhiều thời gian, không bị bối rối, không biết bắt đầu từ đâu hay thứ tự công việc như thế nào.
Không gian học tập gọn gàng, sạch sẽ cũng khơi gợi nhiều nguồn cảm hứng hơn. Vào mỗi tối trước khi đi ngủ, người học nên dành vài phút dọn bàn học, lên kế hoạch cho ngày hôm sau và để sẵn lên bàn tài liệu cần đọc vào ngày mai. Nhờ đó, họ có thể bắt tay ngay vào học mà không bị xao nhãng.
Đứng trước những kỳ thi quan trọng, rất nhiều sĩ tử lo lắng và cố gắng học nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, việc ăn ngủ, nghỉ ngơi điều độ cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe trước kỳ thi.
Việc thức khuya, dậy sớm, học hành nhồi nhét không bao giờ mang lại hiệu quả. Thay vào đó, một lịch trình học tập cụ thể, rõ ràng với những phương pháp hiệu quả mới là chiến lược khôn ngoan để chinh phục những mục tiêu.