Có thể thấy, với học sinh có học lực yếu, kém, hơn bao giờ hết rất cần sự giúp đỡ của giáo viên. Việc dạy học sinh có học lực khá, giỏi vốn dĩ đã khó thì việc phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém lại càng khó nhiều lần, chính vì vậy đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp khoa học và quan trọng là tính kiên trì, nhẫn nại mới có thể giúp học sinh chuyển biến và tiến bộ trong học tập.
Cô Nguyễn Thị Ngoan, giáo viên Ngữ văn cho rằng, quan trọng nhất vẫn là ở người giáo viên. Vực dậy các em yếu, kém thật sự không khó nhưng cũng đòi hỏi tính "mưa dầm thấm lâu". Trước hết, căn cứ vào tình hình, đặc điểm, giáo viên cần xem xét, phân loại những học sinh có học lực yếu, kém đúng với những đặc điểm vốn có của các em để lựa chọn biện pháp giúp đỡ phù hợp, ví dụ như các em có học lực yếu, kém do sức khỏe kém, khả năng tiếp thu bài, lười học, thiếu tự tin, nhút nhát… Mỗi nhóm sẽ có phương pháp, cách thức cụ thể. Với học sinh có học lực yếu, kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao mà chúng ta cần các em đạt ở mức trung bình là đã thành công, trong quá trình dành cho đối tượng này những câu hỏi dễ, những bài tập đơn giản để tạo điều kiện cho các em được tham gia trình bày trước lớp. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng nên động viên một số học sinh có học học lực khá, giỏi hỗ trợ các bạn có học lực yếu, kém hơn, qua đó vừa để củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn tiến bộ.
Còn theo cô giáo dạy Toán Đồng Phương Dung: Bên cạnh việc bù đắp về kiến thức, giáo viên chủ nhiệm trong từng lớp phải nắm và tìm hiểu từng đối tượng học sinh về hoàn cảnh gia đình và nề nếp sinh hoạt, khuyên nhủ học sinh về thái độ học tập, nếu có hiện tượng bất thường phải xử trí kịp thời. Đồng thời, giáo viên phối hợp với gia đình giáo dục ý thức học tập của học sinh, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có hướng điều chỉnh cho phù hợp, tránh trường hợp các em phải bỏ học giữa chừng.
Trường THCS Đông Dư đã lên danh sách HS và phân công giáo viên phụ đạo kịp thời cho học sinh yếu, kém. Và việc vực dậy học sinh có học lực yếu, kém để các em nắm kiến thức căn bản, theo kịp việc học là việc làm cần thiết trong các trường học hiện nay, tất cả với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, không để bất kì học sinh nào "phải bỏ lại phía sau" trong sự nghiệp giáo dục.