“Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ và cũng không có tương lai”(*) – Nhưng bằng cách nào để lịch sử và thế hệ đương đại lại gần được với nhau, khi mà môn Lịch sử trong trường học thường thiếu hấp dẫn? Kì thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm học 2019- 2020, lựa chọn môn thi bắt buộc thứ 4 là Lịch sử. Và không chỉ riêng Hà Nội, mà Hải Phòng và Nghệ An cũng chọn môn học này để làm tiêu chí tuyển sinh dưới dạng đề thi tổ hợp hai đến ba môn. Làm sao để chinh phục kiến thức môn học này? Chúng ta cần phương pháp học hiệu quả, sáng tạo. Chẳng hạn như, học lịch sử bằng… thơ!
Phương pháp học Lịch sử qua Thơ thực chất đã xuất hiện và khá phổ biến những năm trước. Thậm chí, cách đây hàng chục năm, Bác Hồ đã có những vần thơ rất hay về lịch sử, dễ nhớ, dễ thuộc:
… Hồng Bàng là Tổ nước ta
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang
Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời…
… Nhà Trần thống trị giang san,
Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài,
Quân Nguyên binh giỏi tướng tài:
Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu,
Tung hoành chiếm nửa Âu châu,
Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la,
Lăm le muốn chiếm nước ta,
Năm mươi vạn lính vượt qua biên thuỳ,
Hải quân theo bể kéo đi,
Hai đường vây kín Bắc Kỳ như nen.
Dân ta nào có chịu hèn,
Đồng tâm, hợp lực mấy phen đuổi Tàu.
Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu,
Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang,
Mênh mông một giải Bạch Đằng,
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh,
Hai lần đại phá Nguyên binh,
Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời…
Không chỉ bài thơ – sử nổi tiếng ấy của Bác Hồ, mấy năm trở lại đây, rất nhiều câu thơ – lịch sử đã được lưu truyền. Có khi biết rõ tác giả, có khi khuyết danh… nhưng thơ đã khiến sử trở nên hấp dẫn, thu hút, nhiều người nhớ, nhiều người thuộc.
Đường Lâm mảnh đất cất nôi
Ngô Quyền luyện võ ngàn đời khắc ghi
Người trí dũng cầm kỳ thi họa
Dáng oai phong sức đả muôn loài
(Chưa rõ tác giả)
Hay là:
Bố kể chuyện Điện Biên
Bộ đội mình chiến thắng
Lũ Tây bị bắt sống
Ta giải đi từng hàng
Tướng Đờ Cát xin hàng
Bốt đồn đều san phẳng
Cờ quyết chiến quyết thắng
Tung bay trên nóc hầm
Chiều mùng bảy tháng năm
Một chiều hè lịch sử
(Trần Đăng Khoa)
Hoặc:
Trước khi thế chiến thứ hai (trước 1945)
Đông Nam châu Á rơi vào thực Tây
Nhật Bản phát xít kéo dây đầu hàng
Toàn Đông Nam Á sẵn sàng
In-đô, Lào, Việt sao vàng thắng to
(Thầy giáo Nguyễn Khả Tuấn, THCS Trần Đăng Ninh, Hà Nội)
Không chỉ vậy, Thơ – Sử, thơ về danh nhân lịch sử đã được xuất bản thành sách, phát hành rộng rãi. Như năm 2015, NBX Hội Nhà văn xuất bản cuốn thơ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết (câu lấy từ bài thơ nổi tiếng Cáo tật thị chúng – Có bệnh bảo mọi người, của Mãn Giác thiền sư), tác giả là PGS-TS Đoàn Thị Thu Vân, giảng viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt về các danh nhân văn hóa, lịch sử trong tập thơ được đánh giá cao và còn được gọi là “thơ – dựng bia”.
Chẳng hạn, vị vua đầu triều Lý – Lý Thái Tổ được hiện lên rõ nét trong bài thơ dưới đây:
Chí lớn mở mang nền tự chủ,
Quốc đô dời đến Đại La thành.
Rồng vàng nghênh đón thuyền chân chúa,
Trăm họ vui ca cảnh thái bình.
Còn đây là những câu thơ như vẽ về vị vua thứ ba của triều Trần – Trần Nhân Tông:
Ngự giá hai lần đuổi giặc Nguyên,
Công thành thân thoái ẩn non Yên.
Tùy duyên vui đạo tâm an lạc,
Nửa gánh giang sơn, nửa gối Thiền.
Và danh tướng lừng lẫy đời Trần – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, liệu có ai không nhận ra ở bài thơ dưới:
Nửa đêm vỗ gối đau lòng tướng,
Hịch truyền “Sát Thát” dậy non sông.
Quên hiềm gia tộc, trung thay hiếu,
Đời sau còn mãi tiếng anh hùng.
Có một tập thơ – sử khác thiết tưởng cũng cần được nhắc đến: cuốn Diễn ca lịch sử Việt Nam của ông Hoàng Văn Lược – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc điều hành Trường Phổ thông liên cấp Đa Trí Tuệ (MIS), Hà Nội. Nếu tập thơ của tác giả Đoàn Thị Thu Vân tập trung thể hiện chân dung các nhân vật lịch sử, thì tập thơ Diễn ca lịch sử Việt Nam của ông Hoàng Văn Lược là sự tổng lược về lịch sử dân tộc – những nội dung có trong chương trình giáo dục bậc phổ thông…. Hệ thống nhan đề tiểu mục trong cuốn thơ thể hiện tính liền mạch của chiều dài lịch sử đất nước: Cội nguồn dân tộc – Một ngàn năm Bắc thuộc – Các Triều đại thời kỳ phong kiến độc lập – Thời Pháp thuộc – Thời kỳ từ 1945 tới nay…
Những câu thơ – sử của ông Hoàng Văn Lược được viết theo thể lục bát truyền thống, nhịp nhàng, uyển chuyển, dễ hiểu và dễ thuộc. Như khi thể hiện khí thế hào hùng của dân tộc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ:
… Ta lập Việt Bắc chiến khu
Trường kỳ kháng chiến mặc dù gian nan.
Chiến dịch biên giới mở màn
Trận Điện Biên Phủ đập tan Pháp thù.
Chiến công hiển hách ngàn thu
Địa cầu chấn động, tan tù thực dân.
Nước ta chia cắt hai phần
Phía Nam, Mỹ lại thế chân Pháp vào.
Mỹ – Diệm đàn áp gắt gao
Đồng Khởi nổi dậy phong trào đấu tranh,
Mặt trận Giải phóng hình thành
Quyết đánh Mỹ – Ngụy tan tành khói mây.
Vạn Tường, Ấp Bắc là đây
Mậu Thân 68 trận này lớn lao,
Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào
Tiếp theo: Chiến dịch cao trào Tây Nguyên.
Mỹ thua thất đảo bát điên
Chúng đành phải rút khỏi miền Nam ta.
Một cục diện mới mở ra
Tiến lên toàn thắng bài ca khải hoàn…
* * *
Có thể nói, phương pháp thơ hóa lịch sử đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cách thức tiếp cận môn Lịch sử trong nhà trường. Đây không phải là giải pháp mang tính tạm thời mà có hiệu quả lâu dài cho việc dạy và học môn này. Tính thông tin, sự kiện của sử được thể hiện bằng tính trữ tình, hàm súc của thơ, khiến những kiến thức tưởng chừng khô khan, nặng nề bỗng trở nên mềm mại, giàu nhịp điệu và đi sâu vào lòng người. Và hẳn rằng có một ngày, chúng ta dễ dàng tìm kiếm được nhiều bài thơ – lịch sử không phải của giáo viên, của những “người lớn yêu sử”, mà của chính học sinh tự sáng tác. Khi đó, chúng ta có thể tự tin về dấu ấn của môn học này trong trái tim, trong niềm say mê, hào hứng của chính người học.