Học sinh Nguyễn Dương Phương Linh - HSG cấp Thành phố môn Sinh học
Từ xa xưa, ông cha ta đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là bước đi đầu tiên để đào tạo nhân tài cho đất nước và là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục. Với ý nghĩa đó, Trường THCS Đông Dư luôn ý thức được việc bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ học sinh giỏi của trường trong mỗi năm học, mỗi khóa học là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đối với nhà trường. Công việc này có tác dụng rất mạnh mẽ và thiết thực để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, tạo khí thế hăng say vươn lên trong học tập của học sinh từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn điện góp phần khẳng định tên tuổi của nhà trường.
Xác định được tầm quan trọng trên nên BGH trường THCS Đông Dư luôn có những đường lối chỉ đạo sát sao, đúng đắn trong xây dựng mục tiêu như sau:
Thứ nhất, để nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG nhà trường đã chú trọng trong khâu tuyển chọn học sinh giỏi, việc này cần được giáo viên bộ môn thực hiện ngay từ đầu cấp học. Đây là khâu quan trọng nhất để phát hiện đúng năng lực, sở trường của các em để các em cùng đồng hành bộ môn trong thời gian dài cấp học.
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn đồng hành cùng học sinh để cùng nhau khám phá, dạy cho học sinh phương pháp tiếp cận vấn đề mới, qua đó phát hiện học sinh có tư chất thông minh. Chú trọng đánh giá, phát hiện học sinh có tố chất về:
Năng lực tư duy mô hình hóa, sơ đồ hóa các khái niệm, các mối quan hệ;
Năng lực, kĩ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo cái mới; kĩ năng thực hành, tổ chức sắp xếp công việc;
Năng lực tư duy liên kết. Đó là sự nhận biết mối quan hệ giữa các khái niệm trong cùng một lĩnh vực hoặc trong nhiều lĩnh vực, giữa lí thuyết với thực tiễn cuộc sống;
Năng lực tư duy phản biện. Trước mỗi tình huống, học sinh có khả năng phản biện hay không? Có biết thay đổi giả thiết, thay đổi hoàn cảnh để tạo ra tình huống mới hay không?
Tinh thần vượt khó và bản lĩnh trước tình huống khó khăn. Học sinh có sẵn sàng chấp nhận thách thức? Có khả năng tìm tòi phương hướng giải quyết vấn đề khó hay không? Có biết tự bổ sung kiến thức, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ hay không
Tinh thần hợp tác, chia sẻ, sự nhạy cảm đón bắt ý tưởng từ những người xung quanh;
Kĩ năng hòa nhập với cộng đồng, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của những người xung quanh; khả năng tiếp thu, chọn lọc, tổng hợp ý kiến; năng lực thuyết phục, đàm phán…
Từ đó giáo viên đánh giá năng lực học sinh bằng nhiều hình thức, rút kinh nghiệm về giảng dạy, học tập sau đánh giá.
Kết hợp kết quả đánh giá thường xuyên với kết quả các kì thi phong trào, các kì thi do cấp trên tổ chức.
Thứ hai, để chất lượng học sinh giỏi ngày càng nâng cao, đội ngũ giáo viên rất chú trọng việc xây dựng chương trình bồi dưỡng. Hiện nay có rất nhiều sách nâng cao và các nguồn tài liệu tham khảo khác song chương trình bồi dưỡng HSG thì chưa có sách hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng tiết, từng buổi học như trong chương trình chính khoá. Vì vậy việc xây dưỡng chương trình bồi dưỡng là một việc làm hết sức quan trọng và rất khó khăn nếu như ch không có sự tham khảo, tìm tòi và chọn lọc tốt. Việc xây dựng chương trình bồi cũng dựa theo tiêu chí cụ thể:
Mục tiêu của chủ đề
Kiến thức, kĩ năng cần bồi dưỡng: bao gồm kiến thức cơ bản, kiến thức mở rộng và nâng cao, kĩ năng thực hành, đo đạc.
Phương pháp giải cho từng dạng bài: có chú ý đến những phương pháp giải khác nhau.
Bài tập mẫu.
Bài tập luyện tập:
Bài tập cơ bản
Bài tập nâng cao
Đề kiểm tra hết chủ đề
Rút kinh nghiệm giảng dạy
Tóm lại nội dung, chương trình bồi dưỡng phải rõ ràng, cụ thể về từng mảng kiến thức, chi tiết cho từng khối, lớp và nội dung nhất thiết phải được sắp xếp từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.
Thứ ba, nhà trường cũng hết sức chú trọng công tác dạy học như thế nào cho đạt hiệu quả. Về việc này đội ngũ giáo viên bồi dưỡng của trường luôn tâm niệm làm sao cho học sinh yêu thích môn học, “thổi lửa” khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. Mỗi bài dạy, giáo viên luôn tìm nội dung mới mẻ, làm cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tầm quan trọng của môn học; khơi dậy ở các em niềm đam mê khám phá. Hạn chế việc giáo viên làm thay học sinh những điều mà các em có thể làm được. Sau khi trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản của bộ môn, giáo viên chú ý nhiều hơn đến việc dạy học sinh phương pháp học, kĩ năng làm và dần coi đây là mục tiêu chính của quá trình dạy học. Đối với học sinh giỏi, giáo viên sử dụng nhiều hơn các hình thức dạy học:
Chuyển giao chủ đề, hướng dẫn học sinh tự đọc tài liệu.
Tổ chức cho học sinh báo cáo theo chủ đề, thảo luận, phản biện…;
Kiểm tra việc tự học, tự đọc tài liệu của học sinh; rút kinh nghiệm kịp thời;
Sử dụng các thiết bị giảng dạy phù hợp; tăng cường thời gian thực hành;
Đa dạng các hình thức đánh giá: Giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá nhau và học sinh tự đánh giá;
Cuối cùng, để quyết định thành công trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là việc nâng cao đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên bồi dưỡng nói riêng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi”, vì vậy người thầy phải luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để luôn xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” của học sinh. Phải thường xuyên tìm tòi nguồn tư liệu thông qua các phương tiện, đặc biệt là trên mạng internet. Lựa chọn trang Website nào hữu ích nhất, tiện dụng nhất, tác giả có các bài viết hay, khả quan nhất để sưu tầm làm tài liệu…Các thầy cô giáo rất tích cực chủ động nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, tận dụng công nghệ thông tin để tích luỹ kiến thức nâng cao trình độ. Lấy nỗ lực của bản thân là chính, coi việc học hỏi vốn kiến thức, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước là quan trọng.
Việc xác định đúng mục đích của công tác bồi dưỡng HSG cho nên trong nhiều năm liền vừa qua nhà trường đã gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào, góp phần nâng cao chất lượng của nhà trường.
Từ kết quả đạt được cho thấy công việc bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc khó khăn và vất vả nhưng rất vinh quang, đáng tự hào. Để có học sinh giỏi đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải say mê tâm huyết với nghề đúng như lời khẳng định của nhà bác học Thomas A. Edison rằng: “Nếu bạn muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt, lấy kinh nghiệm làm tham mưu, lấy cẩn thận làm anh em, lấy hy vọng làm lính gác”.