Tuổi thơ tôi đi qua từ lâu nhưng hàng năm khi nắng vàng rải lên đồng nội, trở về con đường rợp bóng tre xanh có mùi thơm gạo mới, đống thóc vàng mẩy hạt trên sân phơi… kí ức tuổi thơ bất chợt hiện về.
Lặng trong nỗi niềm thiết tha, nhung nhớ, những vần thơ của Trần Đăng Khoa cùng tiếng giảng bài cô giáo trường quê năm nào lại sống dậy bên tai. Hạt gạo làng ta. Có vị phù sa… Bài ca trở thành khúc hát ru ngọt lịm tình quê chảy mãi trong tôi theo suốt cuộc đời.
Như một sự gặp gỡ kì diệu, thiêng liêng, tất cả những câu thơ viết về hương lúa, hạt gạo, mùi thơm nếp mới đều là những vần thơ hay gọi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc tha thiết, chân thành. Tôi yêu cánh đồng quê, yêu người nông dân mặn chát mồ hôi trên luống cày, yêu vần thơ Việt Nam đất nước ta ơi, mênh mông biển lúa đâu trời đep hơn của Nguyễn Đình Thi.
Tôi lớn lên trong khúc hát ru ầu ơ của bà, của mẹ, trong khói lam chiều thoảng mùi thơm nếp mới để rồi những ngày tháng xa quê tôi lại tìm về khung trời bình yên qua những vần thơ đậm hồn dân tộc nói về hương lúa mới ngọt ngào.
Bắt đầu là bài ca dao quen thuộc thuở nào:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, để có được hạt gạo dẻo thơm, người nông dân phải đổ biết bao công sức. Hơn ai hết, bằng sự trải nghiệm của một đời oằn mình trên cánh đồng quê, người bình dân sau lũy tre làng thấm thía sự gian truân cơ cực của công việc nhà nông. Chọn thời điểm ban trưa gắn không gian ruộng đồng với công việc cày cấy, tác giả dân gian miêu tả, nhấn mạnh nỗi cơ cực, nhọc nhằn.
Thủ pháp so sánh phóng đại Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày càng khắc sâu, tạo độ ám ảnh trong tâm thức của người đọc, người nghe. Trong vị dẻo thơm bát cơm có vị đắng cay, mặn chát của giọt mồ hôi. Đọc câu ca nghe rưng rưng niềm biết ơn sâu sắc.
Trong một lần xa quê, nghe tin giặc Pháp giày xéo quê nhà, Hoàng Cầm xót xa như rụng bàn tay. Cả một vùng Kinh Bắc xinh đẹp, trù phú bất chợt hiện về, sáng lên trong cảm xúc thương nhớ. Cùng với hình ảnh con sông Đuống dịu dàng, duyên dáng, cùng với dòng tranh dân gian Đông Hồ bừng trên giấy điệp là mùi lúa nếp như một đặc sản ám ảnh tâm can người con xa quê.
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Càng nhớ về mùi thơm lúa nếp, càng căm hờn tội ác kẻ thù… Lắng dịu chút nhớ dịu êm, sâu thẳm, một lần hành quân qua miền Tây, dừng chân nơi bản làng xứ lạ rồi lại rong ruổi trên nẻo đường hành quân, người lính Tây Tiến trong thơ Quang Dũng cứ mãi nhớ hương vị rất đỗi ngọt ngào.
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
(Tây Tiến)
Cơm lên khói và mùi thơm nếp xôi… cái cảm giác thật yên bình. Bình dị mà ấm áp biết bao. Hương nếp mới quyện hòa trong làn gió theo mùi thơm lan tỏa khắp rừng. Tất cả như bừng sáng làm diệu vợi sự gian nguy khốc liệt âm u nơi chiến trường. Mùi vị ấy làm ấm lòng người lính, theo mãi, nâng bước các anh trên mỗi chặng đường. Đó là vẻ đẹp hào hoa, là chất lính trẻ trung, lãng mạn mà nghĩa tình.
Đẹp biết mấy, yêu biết mấy hương nếp thơm nồng tỏa ra từ đôi bàn tay cô em nơi vùng sơn cước bên bếp lửa… Khói cơm nghi ngút và hương thơm lúa nếp ngày mùa xua tan vẻ mệt mỏi trên gương mặt những người lính trên con đường hành quân hiểm trở. Mùi thơm nếp xôi tạo cho lời thơ cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu; núi rừng miền Tây vì thế mà bớt hoang sơ, khắc nghiệt.